Những gia đình không có Tết
Những ngày cuối cùng của năm Giáp Ngọ đang dần khép
lại và năm mới Ất Mùi đang sửa soạn gỏ cửa từng nhà. Thế nhưng, vẫn còn đó rất
nhiều gia đình không có Tết.
Tết của
những người mất nhà mất đất
Trong không khí rộn ràng của mùa xuân vào những ngày
giáp Tết, âm thanh cuộc sống có vẻ rộn ràng hơn, đâu đâu cũng tấp nập người qua
lại. Thế nhưng, những khu vực có hàng ngàn dân oan thường tập trung ở Hà Nội
như ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng lại thưa vắng hơn. Nhiều người trong số dân oan
đi khiếu kiện không còn đất, không còn nhà để trở về thắp nén nhang trên bàn
thờ trong giờ đón giao thừa, nhưng dù vậy họ cũng cố gắng đặt chân đến mảnh
đất, đến trước căn nhà từng thuộc về sở hữu của mình nơi cố hương trong giờ
phút giao mùa của đất trời.
Một dân oan bị mất nhà ở Hải Phòng, khiếu kiện ở Hà
Nội 20 năm chia sẻ: “Rất nhiều năm chẳng
có Tết gì cả, 20 năm rồi. Tết có về nhưng không có nhà để về. Về chỉ để thăm mộ
ông bà thôi. Về đi qua cái nhà mình bị mất rồi thì toàn ngồi hàng, ngồi quán,
ngồi kiểu không có nhà rồi lại đi thôi”- .Một dân oan
Đối với gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã đúng tròn
8 năm không có Tết và Tết Ất Mùi năm nay là một cái Tết sầu thảm nhất đến với
gia đình. Trao đổi với Hòa Ái qua điện thoại, thân phụ anh Nguyễn Văn Chưởng,
ông Nguyễn Trường Chinh tâm sự:
“8 năm qua làm
gì có Tết, không có cái Tết nào hết. Con như thế làm gì có Tết. Hiện nay gia
cảnh thì bần hàn. Ruộng đất, đất vườn hết rồi. Nhà cầm hết rồi. Bố mẹ đi kêu
oan cho con ở Hà Nội cũng nhờ sự tài trợ của dân oan, những người ở trong nước
và ngoài nước giúp đỡ tiền ăn tiền gạo hàng ngày. Bản thân gia đình chúng tôi
không còn gì để lo nỗi nữa. Tài sản có còn gì đâu…Tan nát hết rồi”.
Ông Nguyễn Trường Chinh cho biết thêm gia đình vui
mừng khi đón nhận thông tin đăng tải trên báo chí rằng lệnh thi hành án tử đối
với anh Nguyễn Văn Chưởng được hoãn lại để điều tra. Tuy nhiên cho đến nay, gia
đình vẫn chưa nhận được một thông báo chính thức nào mà thậm chí bản thân tử tù
Nguyễn Văn Chưởng không còn được phép gửi thư ra ngoài để kêu oan kể từ tháng
12 năm 2014.
Gia đình anh Chưởng thật sự hoang mang vì trước nay anh Chưởng
được viết thư kêu oan gửi ra ngoài bằng đường bưu điện hay nhờ người nhà mang
thư đi một tháng một lần. Đây chính là nguyên nhân khiến cho gia đình tử tù
Nguyễn Văn Chưởng lo lắng đến tột cùng, như đang ngồi trên lửa trong thời tiết
lạnh giá của mùa xuân.
Ông Nguyễn Trường Chinh vẫn trụ lại ở Hà Nội trong mấy
ngày Tết để kêu oan cho con trai mình. Ông Chinh nói: “Tôi vẫn ở đây kêu oan.
Nếu như chưa đòi được văn bản chính thức trả lời cho gia đình như thế nào thì
tôi vẫn ở đây để kêu oan cho con, đấu tranh để giành sự sống cho nó. Mong ước
vượt bậc của chúng tôi hiện nay là mau chóng nhận được phán quyết đúng đắn của
Tòa và của Chủ tịch nước VN. Chúng tôi mong muốn họ trả lời cho tử tù Nguyễn
Văn Chưởng và Hồ Duy Hải để chúng tôi có được cái Tết an lành, Tết đỡ lo sợ”.
Trong khi đó, ở Bình Phước, bé Ngô Thị Cẩm Hiếu, 11
tuổi, phải đi kêu oan cho cha mẹ, sửa soạn chút quà Tết trong chuyến thăm gặp
cả cha lẫn mẹ ở trong tù. Bé Hiếu bộc bạch vài lời ngắn gọn về cái Tết thứ 2
không có cha mẹ ở nhà: “Dạ thưa cô, con sẽ đi mang vào bánh kẹo, bánh chưng. Trước
kia có ba mẹ thì mẹ mua cho con đồ Tết và ba mẹ chở con đi chơi. Con thưa cô là
hồi năm ngoái Tết buồn lắm. Mong cho ba mẹ năm nay được về Tết”.
Mùa xuân là mùa của ước mong, của hy vọng. Hàng ngàn
dân oan trên khắp mọi miền đất nước VN đều có cùng ước muốn duy nhất rằng những
khuất tất của họ sẽ được giải oan trước thềm năm mới. Tuy nhiên nhiều người đã
phải đón Tết trong thân phận tha phương cầu thực qua nhiều năm và niềm ao ước
của họ dần phai nhạt khi mỗi độ xuân về. Nhưng không vì thế mà họ bỏ cuộc trên
hành trình đi tìm công lý. Họ chịu đựng, họ nhẫn nại, họ vẫn vững niềm tin vì
còn đó những tấm lòng dành cho họ.
Các nhóm xã
hội dân sự độc lập đến với dân oan
Trước tình cảnh gánh nặng mưu sinh hằng ngày của bà
con dân oan để tiếp tục đi khiếu kiện ở Hà Nội, nhiều nhóm xã hội dân sự độc
lập được thành lập để giúp đỡ cho họ. Tận mắt chứng kiến rất nhiều bà con dân
oan, kể cả những đứa bé, phải đi nhặt phế liệu, đi làm các công việc khác nhau
như bán vé số, rửa bát thuê…để trang trải cho bữa cơm hàng ngày của họ, bạn trẻ
Lý Quang Sơn cho đài ACTD biết anh cùng một số bạn bè thành lập nhóm “Cơm cho
Dân oan” hồi tháng 9 năm ngoái để hỗ trợ cho bà con dân oan.
Anh Lý Quang Sơn
chia sẻ: “Nhóm em là nhóm duy nhất làm cơm cho dân oan. Thường thì bọn em làm
từ 150 đến hơn 200 suất. Bọn em đem cho dân Dương Nội đi tuần hành hoặc là bọn
em mang đến Số 1-Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Thường 200 suất như vậy là đủ. Nếu làm
bánh mì thì tụi em làm từ 150 đến 300 suất. Có những người ăn 1 cái, có những
người ăn 2 cái. Nói chung bọn em làm đầy đủ cho bà con. Bọn em còn dự định tối
30, hay tối 28,29 gì đó, bọn em sẽ mang bánh chưng đến cho bà con còn ở lại Hà
Nội này”.
Ngoài nhóm “Cơm cho Dân oan” còn có các nhóm khác hỗ
trợ cho dân oan như nhóm “Cứu trợ Dân oan” và nhóm “Cứu lấy Dân oan”. Hai
nhóm “Cứu trợ Dân oan” và “Cứu lấy Dân oan” hỗ trợ 1 triệu 200 ngàn đồng 1 tuần
cho nhóm “Cơm cho Dân oan” giúp buổi ăn trưa trong mỗi tuần của bà con dân oan
ở Hà Nội. Các nhóm xã hội dân sự độc lập này mong muốn có thêm tài chính, có
thêm con người, có thêm nhiều sự ủng hộ khác từ mọi người để có thể giúp đỡ bà
con dân oan nhiều hơn.
Những ngày giáp Tết Ất Mùi dưới thời tiết giá rét,
nhiều bà con dân oan không còn tiền để thuê chổ ngủ, phải dựng lều bạt trú tạm
trên vỉa hè tại số 1 Ngô Thì Nhậm-Hà Đông. Thế nhưng, các lều bạt này bị côn đồ
giật xuống cũng như bị ném mắm tôm vào những đêm mưa phùn.
Bà con dân oan cho rằng
chính quyền địa phương mượn tay côn đồ quấy phá không cho họ trụ lại những ngày
Tết để kêu oan. Bà con dân oan nhờ qua làn sóng phát thanh của đài ACTD để lên
tiếng về tình cảnh bị sách nhiễu của họ, đồng thời cũng gửi lời tri ân đến
những tấm lòng nhớ đến họ trong mấy ngày Tết với một vài cân gạo và cả những
chiếc áo bông dành cho các cháu nhỏ không may mắn, phải chịu cảnh dân oan khi
mới chào đời.(BBC)
0 comments