Cần đổi mới tư duy về Tự do báo chí và Nhân quyền
* BÙI VĂN BỒNG
Hôm nay, ngày 3-5, ‘ngày Tự do Báo chí thế giới’. Ngày Tự do Báo chí thế giới là ngày Liên Hiệp Quốc dành riêng để cổ vũ và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Tự do báo chí trên toàn thế giới. Cách đây 12 năm, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận ngày 3-5 là Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Một trong những mục đích của ngày này là để nhắc nhở chính phủ các quốc gia tôn trọng và ủng hộ quyền tự do ngôn luận.
Ngày Tự do Báo chí thế giới năm 2011 World Press Freedom Day celebration được tổ chức ở Washington , D.C. , Hoa Kỳ từ ngày 1-3 tháng 5. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Tự do Báo chí thế giới. Chủ đề của ngày này năm nay là "Truyền thông thế kỷ 21: Các giới hạn mới, các rào cản mới". Ngày kỷ niệm này đã khẳng định các nguyên tắc cơ bản của phương tiện truyền thông tự do trong thời đại kỹ thuật số - khả năng của các công dân nói lên ý kiến của họ và khả năng truy cập các nguồn thông tin độc lập khác nhau - 20 năm sau Tuyên ngôn ban đầu được đưa ra ở Windhoek, Namibia. Chương trình và chương trình nghị sự
Các ‘ngày Tự do Báo chí thế giới’ hàng năm được UNESCO và nước chủ nhà thường khai mạc bằng thông điệp của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc với sự chủ tọa của Tổng Giám đốc UNESCO và Tổng thống hay Thủ tướng nước chủ nhà.
Theo đề nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc ngày 20.12.1993 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã công bố ngày 3 tháng 5 là "Ngày Tự do Báo chí thế giới" (Nghị quyết số 48/432) để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí và nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và đánh dấu ngày kỷ niệm Tuyên ngôn Windhoek, một tuyên ngôn về những nguyên tắc tự do báo chí do các nhà báo châu Phi đưa ra năm 1991.
Các tổ chức như Phóng viên không biên giới (RSF) đã dùng ngày này để chỉ ra những biện pháp bạo lực và độc đoán của các nhà cầm quyền đối với báo chí, như bắt giam và giết hại các nhà báo. Theo tài liệu hàng năm của tổ chức "Phóng viên không biên giới" xuất bản ngày 3.5.2005 ở Genève thì riêng năm 2004 đã có 19 nhà báo bị giết ở Iraq. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2005 trên thế giới đã có 22 nhà báo bị giết, trong đó có 9 người ở Iraq. Vào ngày 1 tháng Giêng năm 2005, trên thế giới có 107 người làm việc cho các phương tiện truyền thông bị cầm tù, chỉ tính riêng ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 26 và Cuba là 22 người.
UNESCO đánh dấu "Ngày Tự do Báo chí thế giới" bằng việc nhắc tới Giải Guillermo Cano cho Tự do Báo chí trên thế giới trao cho một cá nhân, một tổ chức hay một cơ quan xứng đáng, đã có đóng góp xuất sắc vào việc bảo vệ hoặc làm tăng cao quyền tự do báo chí trên khắp thế giới, nhất là khi việc này được thực hiện lúc phải đối mặt với sự nguy hiểm. Được thiết lập năm 1997, giải này đuợc trao theo sự tiến cử của một ban giám khảo độc lập gồm 14 chuyên gia về tin tức. Các tên ứng viên do các tổ chức phi chính phủ quốc tế và địa phương đấu tranh cho tự do báo chí và các nước thành viên UNESCO đề cử.
Giải được đặt tên như vậy để vinh danh Guillermo Cano Isaza, một nhà báo người Colombia đã bị ám sát ngay trước trụ sở tòa báo El Espectador của ông ởBogotá, ngày 17.12.1986 vì ông viết nhiều bài tố cáo tội phạm của những ông trùm ma túy đầy thế lực ở Colombia.
UNESCO cũng đánh dấu "Ngày Tự do Báo chí thế giới" mỗi năm bằng cách tập hợp các chuyên gia phương tiện truyền thông, các tổ chức tự do báo chí và các cơ quan Liên Hiệp Quốc để đánh giá tình trạng tự do báo chí trên toàn thế giới và bàn luận các giải pháp để giải quyết những thách thức. Mỗi hội nghị tập trung vào một chủ đề liên quan đến tự do báo chí, bao gồm việc quản trị tốt, việc theo dõi đua tin của phương tiện truyền thông về nạn khủng bố, tinh trạng các tội phạm không bị trừng phạt và vai trò của các phương tiện truyền thông ở các nước sau khi xảy ra chiến tranh.
Tổng thống thứ ba Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Thomas Jefferson, là “… Nếu bắt tôi phải quyết định chọn giữa một chính phủ không có báo chí hay báo chí mà không có chính phủ, thì tôi sẽ không do dự lấy một phút khi quyết định lựa chọn điều thứ hai”.
“Nhà báo cho tất cả những người công dân như chúng ta cơ hội biết được sự thật về đất nước, về chính chúng ta và về chính quyền của chúng ta. Điều đó giúp cho chúng ta tốt hơn, làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn. Nó tạo tiếng nói cho những người không có tiếng nói, phô bày tình trạng bất công và buộc những người lãnh đạo như bản thân chúng tôi phải có trách nhiệm.” - Đó là phát biểu của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sau cuộc hội luận về tự do báo chí diễn ra sáng hôm 2-5-2015 tại Nhà Trắng với ba nhà báo từng bị bách hại, trong đó có ông Nguyễn Văn Hải, thường được biết đến là Blogger Điếu Cày.
>> Blogger Điếu Cày: Từ nhà tù đến Nhà Trắng
>> Blogger Điếu Cày: Từ nhà tù đến Nhà Trắng
Nguyễn Văn Hải sinh năm 1952, có bút hiệu trên blog là Điếu Cày, bị bắt ngày 20/4/2008 tại TP Hồ Chí Minh. Ngày 10/9/2008, Nguyễn Văn Hải bị tòa án tuyên phạt 30 tháng tù giam vì tội trốn thuế. Tháng 4/2012, Nguyễn Văn Hải bị tòa án xét xử thêm về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình sự và bị tuyên án 12 năm tù giam. Ngày 21/10/2014, Nguyễn Văn Hải được tạm đình chỉ chấp hành án và được phép xuất cảnh sang Los Angeles , Mỹ.
Theo cáo buộc, năm 2001, Nguyễn Văn Hải và một số người thành lập cái gọi là "Câu lạc bộ nhà báo tự do" và tạo blog mang tên câu lạc bộ để các thành viên đăng bài viết của mình. Blogger Điếu Cày bị cho là đã tự động thay mật khẩu của blog để quản lý, điều hành; lôi kéo Tạ Phong Tần (44 tuổi) và Phan Thanh Hải (43 tuổi) tham gia. Để khuếch trương, họ lập thêm các phụ trang blog.
Từ tháng 9/2007 đến tháng 10/2010, cơ quan chức năng xác định Nguyễn Văn Hải và các cộng sự đã viết nhiều bài có nội dung xuyên tạc, chống phá Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để đăng trên blog Điếu Cày do mình quản lý. Các bài viết này cũng được đăng trên blog "Công lý và sự thật" của bà Tạ Phong Tần và "Anhbasaigon" của Phan Thanh Hải.
Ngoài ra, nhà chức trách còn cho rằng Nguyễn Văn Hải và Phan Thanh Hải đã tham gia khóa huấn luyện của một tổ chức chống phá nhà nước có tên là Việt Tân mở tại Thái Lan hồi tháng 3/2008.
Hai đối tượng khác là Tạ Phong Tần bị tuyên phạt 10 năm tù giam và Phan Thanh Hải được Toà phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, tuyên giảm từ 4 năm xuống còn 3 năm tù.
Các blogger ở Việt Nam thường xuyên bị theo dõi đến từng chi tiết, câu chữ, tập hợp lại để coi là “chứng cứ phạm tội” và thường bị quy chụp áp vào vi phạm Điều 258 – Bộ luật hình sự. Các Blogger thường đấu tranh cho tự do dân chủ, công lý, công bằng xã hội, phê phán thẳng vào những cá nhân, hiện tương suy thoái, biến chất, tham nhũng, quan liêu trong các cán bộ lãnh đạo. Họ còn không ngừng đấu tranh vì nhân quyền. Tuy nhiên, đảng, nhà nước không coi đó là sự ‘kết hợp xây và chống’, biết sai để sửa làm sao bảo đảm dân chủ, tăng thêm niềm tin của dân với đảng, nhà nước và tăng sức chiến đấu cho đảng, nâng cao chât lượng chính quyền, ngược lại họ lại cho là sự “cố tình bêu xấu, bôi nhọ”, chống lại đảng, Nhà nước…để kết tội (!?)…
Nhân quyền tại Việt Nam là tổng thể các mối quan hệ xã hội liên quan đến việc thực thi quyền con người tại Việt Nam và cũng là các vấn đề liên quan đến các quyền con người (bao hàm các quyền chính trị) vốn gây rất nhiều tranh cãi giữa chính phủ Việt Nam và một số tổ chức nhân quyền quốc tế chính phủ các nước phương Tây như Hoa Kỳ.
Theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, chính phủ một quốc gia cần đảm bảo các quyền con người cơ bản(như các quyền dân sự và chính trị, quyền tự do tư tưởng, quyền tự do phát ngôn, quyền lập hội...). Sự phát triển văn minh của con người đó là các quyền đó càng ngày phải càng được đảm bảo. Trong quá trình phát triển chung của nhân loại, Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng đó. Cho tới gần đây, Việt Nam vẫn luôn khẳng định mình vẫn tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận đã ký kết, đồng thời nói dân chủ của Việt Nam có bản sắc riêng, là dân chủ xã hội chủ nghĩa, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng chỉ đạo. Trong khi đó, các nước như Mỹ, Châu Âu phê phán việc Việc Nam không tuân thủ đầy đủ các hiệp ước đã ký, vì theo họ đã ký có nghĩa là nên tuân thủ.
Mặc dù luôn đề cập đến đặc thù của đất nước, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn công nhận Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là giá trị phổ dụng, và đã ký cam kết tuân thủ Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định thực thi đầy đủ các công ước họ đã ký. Và với những kết quả được cho là tích cực trong lĩnh vực nhân quyền, Trong năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhưng thất bại.
Điều 4, Chương 1 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khẳng định vai trò "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" của Đảng Cộng sản Việt Nam, do đó không có tranh cử giữa các đảng phái. Chính quyền của Đảng Cộng sản luôn diễn giải Điều 4 theo hướng có lợi cho mình, và đặt các đảng phái khác ngoài vòng pháp luật, mặc dù Hiến pháp không cấm thành lập đảng phái khác Đảng Cộng sản. Chính quyền Việt Nam liên tục khẳng định không chấp nhận có đa đảng ở Việt Nam . Theo đó duy nhất có một Đảng Cộng sản hợp pháp hoạt động. Điều này đi ngược với đa số các quốc gia khác trên thế giới, khi hầu hết các quốc gia đều có nhiều đảng phái để đảm bảo quyền tự do lập hội. Hiện Việt Nam chưa có tòa án hiến pháp để xét xử hành vi vi hiến.
Theo báo cáo nhân quyền của Mỹ về Việt Nam gần nhất (năm 2012), các vấn đề nhân quyền nghiêm trọng nhất tiếp tục là hạn chế của chính quyền đối với quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền thay thế chính phủ, tăng cường hạn chế tự do dân sự của công dân, tham nhũng trong ngành tư pháp và công an/cảnh sát. Ngày 12 tháng 11 năm 2013, Việt Nam lại trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới (với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu) và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Nhân quyền nếu hiểu theo nghĩa là quyền tự nhiên, là các quyền tự có của mỗi cá nhân, không ai có thể ban cho hay tước đoạt thì đã tồn tại từ lâu trong lịch sử Việt Nam . Bảo vệ nhân quyền và thực hành nhân ái là những phẩm chất đã từng tồn tại hàng nghìn năm trong cuộc sống đời thường của người Việt.
Trong lịch sử, người Việt Nam luôn phải đấu tranh giành quyền được sống trong độc lập tự do (một nhân tố cơ bản trong nhân quyền), và xây dựng cuộc sống nhân ái (yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa người và người). Trong hiện thực xã hội Việt Nam , hai phạm trù nhân quyền và nhân ái luôn gắn bó với nhau. Trong nhân quyền có nhân ái và ngược lại trong nhân ái có nhân quyền. Một số ý kiến còn khẳng định rằng: "tổ tiên người Việt chúng ta đã tiến gần những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ngày nay”.
Trong thời kỳ cổ, đã có một số sự tích nói lên quyền tự do của con người cho dù chỉ là manh nha như sự tích về Tiên Dung và Chử Đồng Tử nói lên quyền tự do luyến ái của nam nữ, sự tích về Mai An Tiêm nêu lên quyền và khát vọng tồn tại của người Việt cổ. Nhiều truyện cổ tích, thần thoại hay truyền thuyết khác đều có nội dung ca ngợi quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của con người.
Một số câu ca dao, tục ngữ cũng đề cập đến nhân quyền như: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng; hay Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn hoặc là thương người như thể thương thân…
Trong thời kỳ phong kiến, ở một số triều đại nhất định, quyền con người cũng được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, điều này có thể ảnh hưởng của triết lý Phật Giáo vốn thịnh hành vào thời kỳ phong kiến. Trong luật pháp của Nhà Lê mà đặc biệt là Bộ Luật Hồng đức thì quyền bình đẳng đã được quy định trong tương quan nam và nữ (các bà có quyền làm nữ quan, với ưu đãi trong thủ tục thiết triều; vợ bình quyền với chồng về quyền dân sự và tài sản, trách nhiệm dân sự...), trong tương quan giữa các chủng tộc (người thiểu số được xét xử theo tục lệ của họ, được tự trị về hành chánh) hay một số chính sách kinh tế xã hội: nhà nước có nghĩa vụ giúp ngươi nghèo khó,tật nguyền, cô nhi, quả phụ về lương thực, nơi ở, thuốc men; binh sĩ, tội nhân đang giam cầm, dân đinh đi sưu dịch cũng được săn sóc... Đó là những quy định bảo vệ quyền của phụ nữ, bảo vệ quyền sống đối với người vô gia cư, người già, trẻ em (nhất là trẻ em gái), quyền được bảo vệ thân thể… sớm hơn tư tưởng nhân quyền của nhiều quốc gia phương Tây.
Nhân quyền còn được thể hiện qua một số chính sách ngoại giao, đối xử với tù binh chiến tranh của các triều đại phong kiến Việt Nam, ở triều Trần, sau khi chiến thắng quân Nguyên - Mông, nhà Trần cũng đã tha cho nhiều tù binh, hàng tướng về nước, bảo toàn mạng sống cho họ (trừ trường hợp của Ô Mã Nhi), thời nhà Lê, thông qua hội thề Đông Quan, nghĩa quân Lam Sơn đã tha bổng và tạo điều kiện cho quân Minh trở về nước an toàn với chủ trương lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường đạo. Thời Tây Sơn, sau khi đánh thắng quân Thanh, Quang Trung đã cho phép trao trả tù binh, thông thương giữa hai nước, cho Hoa kiều lập đền thờ các binh sĩ đã tử trận (Đền Sầm Nghi Đống, Gò Đống Đa...)
Có thể nói, Việt Nam tuy không phải là nơi sản sinh ra thuật ngữ nhân quyền nhưng rất giàu truyền thống nhân đạo, nhân văn và khái nhiệm nhân quyền đi liền với tinh thần nhân đạo, tình cảm yêu thương con người, tính nhân nghĩa, nhân ái. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn, cởi mở với sự đa dạng và dung hợp trong tiếp nhận giá trị từ bên ngoài. Tư tưởng nhân quyền ở Việt Nam bắt nguồn từ tinh thần nhân đạo. Điều này đã tồn tại từ rất sớm trong lịch sử thành văn của dân tộc.
Sau năm 1975 và đến trước 1990, vấn đề nhân quyền của Việt Nam tương đối nhức nhối, đặc biệt là đối với một số tầng lớp dân ở miền Nam Việt Nam, dẫn tới hàng triệu người bỏ nước tị nạn. Năm 1986, Việt Nam bắt đầu quá trình Đổi mới, hội nhập với thế giới. Việt Nam ký kết các hiệp ước về quyền con người khi tham gia vào các tổ chức quốc tế và theo đó lần lượt thay đổi các chính sách nhân quyền của mình.
Chính phủ Việt Nam cho rằng "Hiến pháp Việt Nam bảo đảm mọi công dân có quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền khiếu nại và tố cáo; quyền lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe... không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo." Tuy nhiên một số tổ chức nước ngoài lại cho rằng có khoảng cách xa giữa những điều ghi trong hiến pháp và thực tế. "Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền này bị cắt giảm, thậm chí vô hiệu hóa, bởi hệ thống quy định pháp luật để đảm bảo "các chính sách và lợi ích của Quốc gia.
Trong báo cáo của mình giải trình tại Hội thảo của Hội đồng liên hợp quốc (2009) về nhân quyền, Chính phủ Việt Nam liệt kê những thành quả đã đạt được cũng như các mặt chưa đạt được trong vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Tuy nhiên báo cáo cũng thừa nhận ở Việt Nam vẫn còn những bất cập, khó khăn tồn tại cần giải quyết, trong đó hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, có chỗ còn chồng chéo mâu thuẫn, chưa theo kịp thực tiễn, dẫn đến khó khăn, thậm chí hiểu sai làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính hợp hiến, tính khả thi và minh bạch trong qua trình đảm bảo quyền con người. Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua báo cáo này của Việt Nam , dù có một số ý kiến phản đối việc thông qua này.
Theo Phúc trình Toàn cầu 2013 của Human Rights Watch, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson nói: "Chúng ta thấy một xu hướng nhân quyền tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng tại Việt Nam. Thật hết sức quan ngại khi nhìn thấy Hà Nội tiếp tục bỏ tù các blogger, đàn áp các cuộc tụ tập ôn hòa, và sách nhiễu các sinh hoạt tôn giáo. Điểm đáng chú ý trong năm qua là ngày càng có nhiều nhà hoạt động bị kết án, càng có nhiều phiên xử hàng loạt, và các bản án nặng nề cũng gia tăng nhằm đàn áp mạnh tay quyền tự do ngôn luận của công dân".
Bộ Ngoại giao Anh có những nhận xét khá khái quát về tình hình nhân quyền Việt Nam, theo đó thì trong thời gian gần đây (năm 2010) đã có những thay đổi trong vấn đề nhân quyền tại Việt Nam đang đi theo quỹ đạo tích cực. Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều diễn biến đáng lo ngại mới nảy sinh và vẫn tồn tại một số vấn đề đáng quan ngại, chủ yếu là các vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chívà án tử hình". Trong báo cáo năm 2009 về nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ có phần nhân quyền tại Việt Nam , với nội dung ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề vi phạm nhân quyền. Theo báo cáo này, Chính quyền Việt Nam đã "tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tự do báo chí, ngôn luận, đi lại, tụ họp và lập hội, đi ngược lại với những hiệp ước Nhân quyền đã ký kết". Mặc dù vậy, một số ý kiến từ phía nước Mỹ cũng cho rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn đạt được những tiến bộ nhất định.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là Peterson trong một cuộc phỏng vấn đã cho biết, những tiến bộ đạt được của Việt Nam về nhân quyền trong 15 năm qua là rất quan trọng, Khi ông đến Việt Nam làm đại sứ, các cơ sở hành đạo tại gia hoàn toàn bị cấm, hiện tại nhiều cơ sở được cho phép hoạt động và nhiều áp lực đã được dỡ bỏ. Hay nói cách khác Việt Nam đã có những tiến bộ. Ông cũng bày tỏ chính kiến khi cho rằng "không thể đánh giá tình hình nhân quyền của một quốc gia trên chuẩn 100% hài lòng. Hoa Kỳ cũng như không một quốc gia nào khác có thể đáp ứng nhu cầu đó. Thang điểm 100% hài lòng về mặt nhân quyền là điều không thể đạt được tại một quốc gia".
Biểu trưng của tổ chức Ân xá Quốc tế, một cơ quan quốc tế từng đưa ra nhiều nhận xét về nhân quyền tại Việt Nam . Điều 69, Hiến pháp Việt Nam quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận". Tuy nhiên, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, trong mấy năm qua, Chính quyền Việt Nam "tích cực trấn áp các phong trào đòi quyền tự do dân chủ, bắt một số các cá nhân và nhóm đối lập". Một số Blogger có tiếng nói phê phán Chính phủ cũng bị bắt giam với tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước (như Blogger Điếu cày, Phjam Viết Đào, Trương Duy Nhất, Basam, Quê choa, Người lót gach...).Đồng thời nhiều website ở nước ngoài không thể truy cập được từ trong nước tại một hoặc nhiều thời điểm và ISP khác nhau (như facebook bbcvietnamese.com, talawas, rfa.org..., tuy nhiên Chính quyền Việt Nam đã phủ nhận việc chặn Facebook. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng ra quyết định 97 kèm theo Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, và không cho phép các nhóm tư nhân nghiên cứu đánh giá về chính sách của nhà nước, dẫn tới sự tan rã của Viện nghiên cứu Phát triển. Theo tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển thì không một nước nào ban hành danh sách hạn chế các lĩnh vực được phép nghiên cứu, và "Dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Quyết định 97/2009/QĐ-TTg...vi phạm nghiêm trọng về thủ tục và nội dung, vi phạm Nghị định thư gia nhập WTO và vì thế là không hợp pháp. Nếu không hủy bỏ Quyết định 97/2009/QĐ-TTg, thì những người chỉ đạo, tham gia vào việc soạn thảo, thẩm định dự thảo quyết định và ký quyết định có thể bị tố cáo phạm pháp, Chính phủ Việt Nam có thể có khả năng bị kiện ra WTO". Và ông gọi đây là một "đòn giáng mạnh vào quyền tự do tri thức".
Nhân ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12/2010, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Michael Michalak nói nước ông vẫn lo ngại về thực trạng nhân quyền của Việt Nam . Chính phủ Việt Nam "tiếp tục trừng phạt tự do ngôn luận và phản kháng, và gắn nhãn 'khủng bố' cho những đảng chính trị khác Đảng Cộng sản". Đại sứ Mỹ ghi nhận chỉ tính riêng trong năm 2010 ở VN đã có 24 người bị bắt, và 14 người khác bị kết án vì biểu lộ quan điểm theo phương cách hòa bình".
Tổ Chức Theo Dõi Nhân quyền ra tuyên bố nhân dịp Đại hội Đảng CSVN lần thứ 11. "Ðảng CSVN cần từ bỏ chủ trương xiết chặt kiểm soát các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa trước khi diễn ra đại hội đảng lần thứ 11, trả tự do cho những người đang bị cầm tù, giam giữ và bị kiểm duyệt". Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Châu Á của HRW phát biểu "Việc trấn áp những người phê phán chính quyền một cách ôn hòa không phải là điều gì mới lạ ở Việt Nam ".
Điều 69, Hiến pháp Việt Nam quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin". Tuy nhiên, trên lĩnh vực tự do báo chí, Chính phủ ViệtNam công khai tuyên bố áp đặt sự lãnh đạo tư tưởng và nội dung lên tất cả các báo chí xuất bản tại Việt Nam . Đảng CSVN cho biết báo chí là công cụ của Đảng, để "tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng...", "kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc".
Nếu các nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền trên đây sống trong một đất nước có đầy đủ dân chủ, nhân quyền và tiến bộ, chắc chắn họ sẽ không mất công để đấu tranh cho điều đó và có thể họ đã có văn phòng luật sư riêng, công ty riêng hoặc một tờ báo tư nhân nào đó... Mỗi người một lĩnh vực đủ để họ nỗ lực làm việc và sống thoải mái, không cần phải suy nghĩ gì nhiều.
Ngược lại, trong điều kiện xã hội hoàn toàn thiếu vắng dân chủ, nhân quyền, khoa học và tiến bộ như Việt Nam, nếu họ không đấu tranh cho điều đó, thì họ cũng giống như bao số phận khác, chấp nhận và cam chịu, cũng toa rập, đút lót, nịnh bợ, cúi đầu trước quyền lực phe nhóm để được yên thân làm ăn (cho dù việc làm ăn đó hoàn toàn vô nghĩa nếu xét trên góc độ con người!). Hoặc là như hiện tại, họ buộc lòng phải đấu tranh để thực hiện lý tưởng dân chủ, tiến bộ cho dân tộc.
Một số nhà bình luận của Anh và Pháp cho rằng: Với một nhà nước hà khắc cộng với cơ chế độc tài, độc trị của đảng Cộng sản Việt Nam, những nhà đấu tranh cho dân chủ, dân quyền Việt Nam đương nhiên là kẻ thù của họ. Và họ đã đối đãi với những kẻ thù chế độ như thế nào? Dùng mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn bỉ ổi và mông muội nhất để tạo ra cái cớ mà bắt nhốt, ghép tội và hành hạ các nhà đấu tranh dân chủ. Có một điều rất đặc biệt là trong cái chế độ độc tài này, nhà đấu tranh dân chủ bị hành hạ, bị làm nhục bao nhiêu thì ngược lại, danh dự của họ càng cao quí bấy nhiêu trong cái nhìn của thế giới tiến bộ. Chỉ có vấn đề duy nhất là những người đấu tranh dân chủ, nhân quyền có chịu giữ khí tiết, kiên định với lập trường của mình hay không mà thôi!
Bây giờ đang là thế kỉ 21, thế giới đã là thế giới phẳng, mọi thông tin ở bất kì góc khuất, xó xỉnh nào cũng có thể được phổ biến, được công bố cho toàn cầu.
Chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của Văn phòng Chính phủ sáng nay 15.1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên yêu cầu văn phòng phải làm sao để tổ chức, định hướng thông tin trên mạng xã hội như facebook một cách nhanh chóng, chính xác khi không thể ngăn cấm người dân. Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, hiện nay hơn 30 triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội, đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm. Điều quan trọng phải thông tin cho chính xác, định hướng cho tốt dư luận trên mạng xã hội. “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn, chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí. Phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng. Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin”.
BVB
0 comments