Đổi mới chính trị và nhu cầu cuộc sống
Tiền nhân gọi địa ngục là chốn “u minh”, là nơi u mê. Để không sa vào đây, cần luôn “Học” để có “Minh” tức hiểu biết. Nói cách khác, cần học để thay đổi cuộc sống thêm tươi đẹp. Người có chí làm lãnh đạo, muốn thành công phải lo “Học” để có “Chí Minh”. Vậy nếu xem “Thái cũng như Vô”, tức là coi cái rất lớn cũng như cái rất nhỏ, sẽ thấy từ người dân đến lãnh đạo, việc học cần trải dài từ nhỏ đến lớn, từ Thực tiễn đến Lý luận.
Việt
Xã hội ngày nay là xã hội học tập và loài người tiến bộ vì ngày càng có nhiều người chú ý đến việc tự thay đổi, tự chuyển biến để ngày một “Minh” hơn, ví như xưa chỉ học trong trường lớp, nay lo học cả đời. Nói thế là vì giờ đây nhiều nước đã thay đổi từ xem trọng vật chất hơn (coi phát triển kinh tế là trung tâm) để chuyển sang xem trọng tinh thần hơn (coi phát triển văn hóa là trung tâm). Với xu thế này, người lãnh đạo càng phải học nhiều hơn để tự chuyển biến và góp phần làm xã hội diễn biến hòa bình nhiều hơn, nhanh hơn, tốt hơn, bằng phương thức Đoàn kết tức “Trân trọng, Liên kết, Thống nhất những sự Khác biệt, kể cả Đối lập”.
Tuy nhiên, vẫn còn lãnh đạo sợ học, tự mãn xem nhẹ học tập nên mắc bệnh bảo thủ tức bệnh không thay đổi. Thử nghĩ tình cảnh một gia đình có ông bố khăng khăng bắt cả nhà nhổ răng để dùng hàm giả như ông cố nội, bởi trong não trạng ông bố nghĩ phải có cái công cụ này mới ăn cơm được. Dĩ nhiên, nếu gia đình này đông người, lại có thế lực, thì bi, hài kịch gia đình sẽ biến thành bi, hài kịch xã hội.
Việt Nam ta có ba Tổ trung hưng, đuổi được ngoại xâm, thống nhất đất nước là Ngô Quyền, Lê Lợi, Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh được dân tôn là Thánh không chỉ do đưa Việt Nam từ một nước nô lệ thành một nước độc lập, có vị thế trên trường quốc tế, cũng không chỉ do hình thành và thúc đẩy một văn hóa Thời đại - văn hóa thuận với Quy luật, thuận với Môi trường và thuận với Nhân loại (Người xưa nói: “Thiên đắc nhất Linh, Ðịa đắc nhất Ninh. Nhân đắc nhất Thành”, tức là Trời linh diệu khi là một, Ðất bền vững khi là một. Người thành công khi là một), mà còn ở chỗ Người đã để lại cho đời nhiều thế hệ học trò theo đúng nghĩa của nó.
Có không ít tư tưởng đối lập. Điều đó tự nhiên, dễ cảm thông, nhất là với bối cảnh bi tráng của dân tộc, khi cả hai bên đều có nhiều người phải chịu bất công. Vậy có việc này bởi giáo lý của “Cha” và “Thầy” sai? Hay do con và trò hư đốn? Hay bởi các thế lực thù địch đã tung hỏa mù để bọn ăn cắp và ăn cướp, bọn tay sai ngoại bang dễ bề mạo nhận là con, là trò rồi giả ngây để vừa trơ trẽn tham nhũng quyền lực và vật chất, vừa phục vụ các thế lực xâm lược?... Và ai, nếu không phải là chúng ta phải chịu trách nhiệm vì đã để bọn họ ung dung “múa võ vườn hoang”? Đây là các vấn đề cần sớm được làm minh bạch.
Nhưng lại thấy mù mờ hơn khi được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong hai ngày 7 và 8/5/2015: “Phải đổi mới phương thức lãnh đạo, Quốc hội bàn trước, Trung ương bàn sau. Quyết hết rồi có khi cũng không chính xác hết, nên phải tranh thủ lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhân dân…”. Rồi Tổng Bí thư nhấn mạnh, quyết không để lọt vào Ban chấp hành Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, …
Nghe Tổng Bí thư nói thì hiểu cho dù Quốc hội và Dân có bàn trước hay bàn sau sau, rốt cục vẫn là Bộ Chính trị và Tổng Bí thư quyết? Ai cũng biết, kẻ cướp bỏ chạy, người bắt cướp chạy đuổi theo, vậy cứ “có biểu hiện” “chạy” là bắt như Tổng Bí thư dạy thì xã hội sẽ loạn vì ngay, gian lẫn lộn và người đáng phải “cầm cân, nảy mực” lại được thả sức làm bừa? Cũng chưa rõ vì sao và Tổng Bí thư sẽ làm thế nào để không cho những người có tham vọng quyền lực vào Trung ương, nếu như họ đóng kịch khéo và Tổng Bí thư thì thật thà, cả tin? Trong khi đó những tưởng để khắc phục việc bỏ lỡ cơ hội là khuyết điểm cố hữu nhất, dễ mắc nhất, gây hậu quả đau đớn nhất, khó phát hiện nhất, khó khắc phục nhất, đáng ra phải đốt đuốc tìm người biết phát hiện và nắm bắt cơ hội để mời họ vào Trung ương mới đúng?
Cũng như khi Tổ quốc lâm nguy, đáng ra phải cố phát hiện ra người có tài, có chí tìm đường cứu nước và mời làm lãnh đạo để họ khắc họa dấu ấn đất nước và dấu ấn cá nhân. Hay đáng nhẽ phải miễn nhiệm những ai thiếu chí khí, thiếu trí tuệ, không dám tạo ra dấu ấn của mình, song vào lúc nước sôi lửa bỏng cứ muốn bám giữ vị trí lãnh đạo? Song Tổng Bí thư không làm thế, phải chăng vì không muốn thay đổi tư tưởng cũ, quen xét người theo động cơ, theo lập trường, tức là bất cần sự thực, miễn là dễ bề “duy” cái “ý chí” của lãnh đạo, chứ không xét theo hiệu quả công tác? Hay đơn giản chỉ vì ông là người học văn chương nhiều nhưng lại thiếu thực tiễn cho nên lời nói nhiều tính mơ hồ, khó đi vào cuộc sống?
Tôi thực sự sửng sốt trước các phát biểu của Tổng Bí thư, ví như kiên định không tam quyền phân lập, coi Cương lĩnh của Đảng là văn kiện quan trọng hơn Hiến pháp, bắt Quân đội phải “Trung với Đảng”, bắt nhân dân phải yêu “Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa”, rồi bắt dân tộc phải “4 tốt” với cả những kẻ bành trướng, xâm lược, lãnh thổ, lãnh hải của Tổ Quốc, v.v. Theo tôi, những tư tưởng này đi ngược xu thế dân chủ, ngược xu thế phát triển, ngược lòng dân, ngược tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, … và là biểu hiện rõ nét của tham vọng quyền lực đến mức u mê. Phải dùng đến từ “u mê” vì tôi vẫn nghĩ tham vọng quyền lực và ý chí lãnh đạo không xấu và cũng có phần tương đồng vì đều là ham muốn quyền lực, nhưng có điều tham vọng quyền lực thì ham muốn mạnh hơn.
Tôi và nhiều bạn bè lâu nay có tâm tư như vậy, song phần lo trình độ yếu kém không biết nghĩ thế có thật đúng? Phần thì sợ “trái đường lối”, nhỡ xảy ra chuyện này, chuyện kia thì khổ vợ, khổ con cháu nên cứ lần lữa không dám nói. Song nỗi lo đã được giải tỏa khi tôi được đọc các kết nghiên cứu công bố từ hơn 10 năm trước của Viện N/C SENA, của Giáo sư Tương Lai hay của nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra TW Hà Tuấn Trung đề nghị Đại hội XI cần coi tư tưởng Đoàn kết của Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam, cần đổi tên Đảng, tên nước như trước cho phù hợp với thế giới, với quy luật, v.v.. Giờ đây ngày càng rõ, đất nước sẽ mãi trì trệ, lạc hậu nếu mỗi chúng ta không góp phần vào sự nghiệp Đổi mới Chính trị, Đổi mới Văn hóa.
Chỉ ít hôm nữa là đến ngày 19/5/2015, ngày sinh thứ 125 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như không lâu nữa sẽ đến Đại hội XII, cơ hội Lớn để đất nước thoát cảnh trì trệ, lạc hậu. Vào thời gian này xuất hiện nhiều bài viết có giá trị với chủ đề không thể Đổi mới Thể chế nếu không Đổi mới Chính trị. Có nhận xét là cách đây ít năm, với không ít người đây còn là một điều cấm kỵ, song giờ đây với ngày càng nhiều người, điều này đã trở nên một nhu cầu cuộc sống. Phải chăng chính đây là một biểu hiện sự trưởng thành của giới trí thức trong nước, ngoài nước, trong Đảng, ngoài Đảng, nguồn lực trung tâm cho công cuộc Đổi mới lần 2?
Không thiếu ví dụ minh họa nhận định quan điểm này, ví dụ như các bài viết của tác giả Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang, hay gần đây bài “Bác Trọng làm theo Bác Hồ, hay theo các bác khác” ngày 7/5/2015 của nhà giáo Vũ Cao Đàm, v.v., vừa sâu sắc, vừa dễ hiểu nhưng lại thể hiện đầy đủ những vấn đề cấp bách và tâm tư trong xã hội.
Tôi rất ngạc nhiên và thú vị trước cách viết chân thành, mạch lạc của nguyên Phó ban Tổ chức TW Nguyễn Mạnh Can trong bài “Việt Nam phải sớm có cánh chim đầu đàn”, hay của nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra TW Hà Tuấn Trung khi biên soạn Cương lĩnh mới cho Đại hội XII; Hai ông đã làm đổ sụp tòa lâu đài lý luận của Đảng khi phát hiện: Đảng đã lẫn mục tiêu và giải pháp khi xác định mục đích tối hậu của Đảng là “xây dựng Chủ nghĩa” chứ không phải “xây dựng Đất nước”.
Từ đây suy ra thông điệp đầu tiên là nếu một đảng lãnh đạo không xác định mục tiêu là “Xây dựng Đất nước” như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì đảng này sẽ không bao giờ có đường lối đúng đắn và đất nước sẽ chìm trong trì trệ, lạc hậu. Thông điệp thứ hai là không thể bầu chọn vào bộ máy lãnh đạo những ai chỉ biết coi “Cá nhân” hay “Chủ nghĩa” hơn cả Tổ Quốc, hơn cả Dân tộc.
Nhiều người đồng thuận với quan niệm suy thoái nguy hiểm nhất của Việt Nam hôm nay là suy thoái về Chí khí, Trí tuệ và Phẩm cách người Lãnh đạo của các tác giả trên. Yếu tố này cộng với sự bất cập về tổ chức, nhất là việc chưa hợp nhất chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước dẫn đến tình trạng đất nước khó có lãnh đạo thực sự. Đương nhiên, cùng với việc đưa tư tưởng Đoàn kết Dân tộc & Đoàn kết Quốc tế thay cho tư tưởng Chia rẽ & Cực đoan làm kim chỉ nam của Đảng và đất nước, việc lựa chọn để có được “Cánh chim đầu đàn” thực sự cũng là mong muốn, là nhiệm vụ của dân tộc Việt Nam đặt ra với Đại hội XII.
0 comments