Dành cho quảng cáo
liên hệ: groupviet@gmail.com

Thanh tra kiểu gì ?

Admin | 2:56 PM | 0 comments


Vụ ông Võ Văn Minh bị Công an Tiền Giang bắt khi đang nhận tiền của Công ty Tân Hiệp Phát để đổi lấy sự im lặng về một chai nước có ruồi đang khiến công ty này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong cách ứng xử với khách hàng.
Chưa có kết luận cụ thể về vụ ông Minh, nhưng qua đó lại nổi lên nghi vấn về chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát.
Trước tình hình này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu Sở Y tế Bình Dương thanh tra đột xuất điều kiện an toàn thực phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát. Đây là yêu cầu cần thiết nhưng thanh tra đột xuất mà được công bố trước thì xem ra hai chữ “đột xuất” không còn giá trị là bao.
Ba ngày sau, ngày 13-2 đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh Bình Dương do ông Nguyễn Tấn Hùng - chánh thanh tra Sở Y tế - làm trưởng đoàn đến Công ty Tân Hiệp Phát công bố quyết định thanh tra, trong đó nêu rõ thời gian làm việc tối đa 30 ngày.
Những tưởng việc thanh tra sẽ kéo dài ít nhất vài ngày hoặc vài tuần, nào ngờ chỉ sang ngày 14-2 đoàn thanh tra đã có kết luận khẳng định Công ty Tân Hiệp Phát không có sai phạm. Đây đúng là một kỷ lục về thanh tra, có lẽ chưa có một cuộc thanh tra nào chóng vánh và kết thúc êm đẹp như vậy!
Xét về mặt thời gian, họ có quyền thanh tra trong vòng một giờ hoặc kéo dài suốt 30 ngày như đã công bố. Nhưng xét về tính chất và trách nhiệm, quả là có nhiều câu hỏi cần đặt ra. Nổi bật nhất là câu hỏi: một ngày thì làm được việc gì?
Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh Bình Dương bao gồm thanh tra Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý thị trường và cảnh sát môi trường. Với bốn thành phần như vậy, riêng việc trao đổi nội dung cũng như phân công lĩnh vực phụ trách thanh tra đã tốn bộn thời gian.
Thanh tra một doanh nghiệp không đơn giản, phải từng bước thực hiện các thủ tục theo quy trình, xem xét các giấy tờ pháp lý, thu thập và nghiên cứu tài liệu, quan sát hiện trường, lắng nghe các ý kiến nhiều chiều...
Đó là chưa kể trước khi có kết luận thanh tra phải gửi dự thảo đến tất cả thành viên trong đoàn, thống nhất xong lại gửi dự thảo tới đối tượng thanh tra để họ giải trình, sau đó hoàn chỉnh rồi mới trình ký. Liệu một ngày có làm hết những điều này không?
Đáng nói hơn cả là đoàn thanh tra liên ngành của Sở Y tế Bình Dương có nhiệm vụ kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, một lĩnh vực có liên quan tới sức khỏe của hàng triệu con người. Vậy mà đoàn thanh tra lại không kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm xem thử sản phẩm này tốt hay xấu, có đúng thành phần như đã công bố?
Đoàn thanh tra cũng không quan tâm tới việc ở một số địa phương có công dân phản ảnh về chất lượng sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát. Như vậy là đoàn thanh tra chưa trả lời được câu hỏi của công chúng về chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát.
Trưởng đoàn thanh tra giải thích thanh tra nhanh là do trong năm 2014 có tới năm đoàn thanh tra đến làm việc tại Công ty Tân Hiệp Phát, các đoàn thanh tra này đều không phát hiện sai phạm của công ty. Đây là cách nói bao biện.
Trước hết, phải tự vấn rằng tại sao chỉ một năm mà công ty này bị thanh tra nhiều thế? Tiếp đến là phải xác định đợt thanh tra này xuất phát khi dư luận đang đặt vấn đề về chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Lẽ ra công tác thanh tra phải được thực hiện kỹ càng, thận trọng, chứ không phải nhoáng nhoàng một ngày để sớm về đón tết.
Rõ ràng kết luận của đoàn thanh tra Sở Y tế Bình Dương không đủ điều kiện để tin cậy, đồng nghĩa với việc không làm tròn trách nhiệm đối với cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Nói một cách khác, người tiêu dùng chưa biết rõ về chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát để có thái độ ứng xử đúng mức, còn doanh nghiệp cũng chưa được giải oan nếu có oan sai.
Giờ đây, mọi nghi vấn về sản phẩm của Tân Hiệp Phát vẫn còn nguyên như khi chưa có kết luận thanh tra.
Lê Thanh Tâm/TTO

Category:

0 comments