Thấy gì qua những tin đồn về Phùng Quang Thanh
Ở Việt Nam, hầu như lúc nào cũng có
tin đồn này nọ. Mới nhất và có lẽ cũng hấp dẫn nhất là các tin đồn liên quan
đến đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam. Thoạt đầu,
người ta đồn ông Thanh bị ám sát ở Paris; sau đó, đồn ông chết vì bệnh ung thư
phổi. Tin đồn lan rộng và lan mạnh đến độ hãng thông tấn DPA của Đức cũng tin
là thật khiến đại diện Bộ quốc phòng phải lên tiếng cải chính. Đến lúc ông
Thanh bay từ Pháp về Việt Nam, được chụp hình và đăng báo, người ta vẫn không
tin: so sánh chiều cao và gò má của người trong bức ảnh với các ảnh cũ của
Phùng Quang Thanh, người ta cho đó chỉ là người giả. Rồi Phùng Quang Thanh xuất
hiện trong chương trình văn nghệ “Khát vọng đoàn tụ” được phát hình trong cả
nước, người ta vẫn khăng khăng cho đó chỉ là người giả. Chưa hết. Sau khi ít
nhiều nhìn nhận ông Thanh còn sống, người ta lại tung ra tin đồn khác: ông
Thanh bị quản thúc tại trụ sở Bộ quốc phòng! Gắn liền với tin đồn ông Thanh bị
quản thúc là tin đồn về các vụ đấu đá trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam, chủ
yếu giữa phe thân Tàu và phe thân Mỹ.
Tất cả những tin đồn ấy có gì xác thực không?
Thật ra, câu hỏi ấy có thể áp dụng cho tất cả các loại tin đồn chứ
không chỉ nhất thiết dành cho các tin đồn chung quanh Phùng Quang Thanh. Tin
đồn, tự bản chất, là một thứ diễn ngôn (discourse) gắn liền với thông tin nhưng
lại không phải là thông tin chính thức. Tin đồn nào cũng dựa trên một số sự
kiện cụ thể nhưng nó đưa ra một tự sự (narrative) và một cách diễn dịch khác
với các tự sự và diễn dịch chính thống, hay nói theo chữ của Prashant Bordia và
Nicholas DiFonzo, trong bài “Problem
Solving in Social Interactions on the Internet: Rumor As Social Cognition” (2004), là một “diễn trình giải thích
tập thể” (collective explanation process). Bởi vậy, tin đồn chỉ đặc biệt nở rộ
khi các tự sự và diễn dịch chính thống không có hoặc không đủ hoặc không đáp
ứng được sự tò mò của quần chúng. Nhận định này giải thích tại sao, dù tin đồn
hiện hữu khắp nơi và mọi lúc, chúng chỉ thực sự phổ biến ở những nơi các nguồn
tin chính thức và chính thống hoặc ít ỏi hoặc bị xem là đáng nghi ngờ. Nói cách
khác, tin đồn bộc phát mạnh mẽ ở những nơi thiếu tính minh bạch nhất, nghĩa là,
ở những nơi thiếu dân chủ nhất.
Trong ý nghĩa như thế, ngay cả những tin đồn ấy chỉ là đồn thổi,
không bám vào một sự kiện chính xác nào cả, vẫn có thể đúng: Nếu chúng không
đúng ở sự kiện thì chúng cũng đúng ở ý nghĩa vì chúng phản ánh được những mơ
ước âm thầm của quần chúng. Không phải ngẫu nhiên mà đọc những bài viết liên
quan đến các tin đồn về cái chết của Phùng Quang Thanh bao giờ chúng ta cũng
bắt gặp có sự hả hê nào đó của những người loan tin hoặc bình luận. Ông Thanh
có thể không chết: điều này chứng tỏ tin đồn là sai. Nhưng ngay cả như vậy, có
một yếu tố vẫn đúng: rất nhiều người mong ông chết. Sự mong ước này không xuất
phát từ những ác ý chung chung mà chủ yếu xuất phát từ điểm: người ta cho là
ông thân Trung Quốc, hơn nữa, là tướng mà lại có thái độ sợ hãi và hèn hạ trước
Trung Quốc.
Tin đồn không những gắn liền với sự thiếu minh bạch mà còn gắn liền
với những thời điểm bị khủng hoảng. Thời thái bình an lạc, không ai cần chú ý
đến tin đồn làm gì. Thời mọi người chia sẻ với nhau những niềm tin mãnh liệt
vào tương lai, người ta cũng không thèm mặn mà với các tin đồn. Chỉ những lúc
người ta bị khủng hoảng về niềm tin, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, sắp xảy
ra, người ta mới bám víu vào các tin đồn. Tin đồn, như thế, có chức năng trám
vào những khoảng trống trong lý trí của quần chúng. Điều này giải thích tại sao
không phải chỉ có quần chúng bình dân mới bị lôi cuốn bởi các tin đồn. Ngay cả
giới trí thức cũng vậy: đối diện với các tin đồn, óc phê phán cố hữu của họ rất
dễ bị tê liệt. Họ cũng theo dõi, cũng tiếp tay phát tán, và một cách âm thầm,
tận trong vô thức, cũng tin vào các tin đồn ấy.
Với hai đặc điểm nêu trên, từ xưa đến nay, tin đồn bao giờ cũng
gắn liền với chính trị hoặc có ý nghĩa chính trị. Những người cầm quyền hoặc
những người có tham vọng cầm quyền, thường sử dụng tin đồn để tự huyền thoại
hoá mình hầu thu phục nhân tâm. Mà không phải chỉ có giới làm cách mạng hay làm
chính trị. Ngay cả trong giới văn nghệ sĩ cũng như những người được gọi là nhân
vật của cộng đồng (public figures), nhiều người cũng thích dùng tin đồn để tự
huyền thoại hoá mình như vậy. Tất cả những thứ chúng ta gọi là “giai thoại”
hiện nay, thoạt kỳ thuỷ, đều là những tin đồn.
Tin đồn không những có chức năng xây dựng, nó còn có chức năng phá
hoại, hay, nói chính xác hơn, chức năng giải hoặc (demystification): Nó làm cho
người ta tin vào câu chuyện và khi tin vào câu chuyện, không còn tin vào các
huyền thoại được những người có quyền lực nuôi dưỡng. Có thể nói nếu tin đồn
bùng phát rộng rãi nhất vào những thời điểm có khủng hoảng, chúng không có chức
năng giải quyết khủng hoảng, chúng chỉ làm khủng hoảng trầm trọng thêm; và bằng
cách đó, chúng có thể dẫn tới những sự thay đổi.
Với chức năng giải hoặc, tin đồn là một thứ vũ khí của những người
yếu. Yếu thì bao giờ cũng là yếu. Nhưng khi những người bị cho là yếu đó là một
đám đông, họ lại trở thành một sức mạnh. Quá trình lan rộng để những người yếu
ấy trở thành đám đông tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng ở vào thời điểm hiện
nay, có một yếu tố vô cùng thuận lợi: internet.
Xưa, phương thức tồn tại chủ yếu của tin đồn là truyền miệng từ
người này sang người khác; sau, ngoài truyền miệng, các phương tiện truyền
thông đại chúng như báo chí, truyền thanh và truyền hình cũng góp phần quảng bá
tin đồn. Hiện nay, phương tiện chính là internet; trên internet, hình thức
chính là các trang facebook: ở đó, số lượng người đọc rất đông và mức độ lan
truyền cũng rất mau lẹ đến độ một số học giả ví chúng giống như bom (rumor
bomb).
Đó là lý do tại sao gần đây các nhà nghiên cứu về chính trị học
bắt đầu quan tâm đặc biệt đến ý nghĩa của các tin đồn vốn trước chỉ lôi kéo
được sự chú ý của các nhà tâm lý học và xã hội học.
0 comments