Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay (45)
Kỳ 45: Bị xử tội chết chỉ vì ăn trộm... một trái ổi!
Mao Trạch Đông và Polpot, ở giữa là Leng Sary
Chế độ diệt chủng Pol Pot sinh ra từ chiếc “lồng ấp” của Mao.
Bản thân Pol Pot (người Campuchia gốc Hoa) là một “phân thân” của chính Mao, một “hình bóng” khác của Mao, nhỏ hơn nhiều, nhưng hoang tưởng và ác tâm không kém, đã sát hại ít nhất 1,7 triệu người Campuchia (trên tổng số 8 triệu dân) – thời kì 1975 – 1979.
Pol Pot (Tổng bí thư Đảng CS Campuchia từ năm 1962 và lãnh đạo tối cao của quân Khmer Đỏ) sau ngày giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (17.4.1975), đã bay sang Bắc Kinh “thỉnh thị” ý kiến chỉ đạo của “lãnh tụ vĩ đại” Mao Trạch Đông về đường lối “cách mạng vô sản” của Campuchia trong tình thế mới (6.1975). Bấy giờ bệnh mắt “đục thủy tinh thể” của Mao sắp “chín muồi” (phát triển hoàn toàn để cho phép tiến hành phẫu thuật) mà hội đồng các chuyên gia nhãn khoa vẫn chưa quyết định ngày giờ lên ca mổ. Mao phải chịu cảnh mù lòa hơn 500 ngày qua, giờ phải tiếp tục chịu thêm 100 ngày nữa. Giữa lúc ấy, Pol Pot đến, hỏi “sách lược” ứng phó với hoàng thân Sihanouk và “quốc sách” cho “Campuchia dân chủ”. Được dịp, những ảo ảnh về chủ nghĩa xã hội không tưởng với Đại tiến vọt ngỡ đã chôn vùi lâu nay bỗng lóe sáng hồi sinh trong thế giới đầy bóng tối của Mao và Mao truyền đạt bài bản “chết người” cho Pol Pot thực thi.
Về nước, Pol Pot tuyên bố “xóa bỏ tiền tệ, đóng cửa thị trường”, đuổi hết dân thành thị bao gồm cả giới trí thức văn nghệ sĩ, chính trị gia, giáo sư đại học, lẫn các tu sĩ Phật giáo, người đang bệnh lẫn trẻ sơ sinh, tất cả phải rời thành phố về nông thôn làm ruộng. Vì dưới mắt Pol Pot (nhìn qua lăng kính của André Gunder Frank):“thành phố là những vật ký sinh của nông thôn” không đáng tồn tại. Nhà cửa, chợ búa, trường học vắng ngắt, Phnôm Pênh được mô tả như thành phố ma: “Mọi hành động của Đảng CS Campuchia sau khi giành được chính quyền đều mang dấu ấn “tả khuynh” của Mao Trạch Đông - bi kịch Đại tiến vọt của Trung Quốc cuối thập kỷ 50 đã tái diễn ở Campuchia” – theo Tân Tử Lăng.
Pol Pot cấm nổi lửa nấu ăn, lập những “nhà ăn chung” như kiểu “bếp ăn tập thể”của Mao ở Trung Quốc. Lại cấm không cho ăn trái cây hái được, hoặc cá bắt dưới sông: “Người ta đang đói gần chết, nhưng không ai được phép chạm vào bất cứ trái chuối nào ở trên cây mọc gần trại. Thậm chí Khmer Đỏ còn tịch thu tất cả chén dĩa, xoong nồi và đồ dùng để không cho người ta nấu nướng và ăn bất cứ thứ gì tại nhà. Mỗi người được phép giữ một cái đĩa và một cái muỗng. Giống như những kẻ nô lệ, những người trong trại sẽ được tập trung bằng kẻng để đến ăn cháo loãng (…) bắt được một con ếch, hoặc một con cá nhỏ li ti, cũng không được phép ăn “khẩu phần” dư ra ấy”. (Harrish C. Mehta và Julie B. Mehta: Hun Sen, nhân vật xuất chúng của Campuchia – sau đây gọi tắt: Hun Sen – Lê Minh Cẩn dịch, 456 trang, NXB Văn Học quý III – 2008, tr.123).
Những con ma đói mang tấm thân tiều tụy từ thời Đại tiến vọt ở Trung Quốc “đầu thai” lên xứ sở Campuchia, sắp hàng chờ ăn và thất vọng, lần lượt lã người quỵ xuống trước cửa các “bếp ăn tập thể” không còn gạo nấu. Quả là “địa ngục có thật”. Được giải phóng khỏi “địa ngục”, Hun Sen nói, khi ấy “nếu không có bộ đội Việt Nam, chúng tôi sẽ chết” (Hun Sen – sđd. tr. 150) – trả lời phỏng vấn của Harrish C. Mehta tháng 12.1997. Hun Sen, khi đang làm Tham mưu phó Trung đoàn đặc công của Khmer Đỏ ở miền Đông, luôn bị lạnh gáy vì cảm thấy “lúc nào cũng bị hàng ngàn con mắt của Angkar theo dõi” (Hun Sen – sđd. tr.98). Để đề phòng Pol Pot thanh trừng, Hun Sen trốn sang Việt Nam tị nạn chính trị ở tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) năm 1977. Khmer Đỏ trả đũa, bắt vợ của Hun Sen (là Bun Sam Hieng – thường gọi Bun Rany) vào trại cải tạo. Đêm nọ, Bun Rany tình cờ nghe hai cán bộ lãnh đạo Khmer Đỏ nói với nhau về án tử hình của cô đã được tuyên và sẽ đưa đi giết vào sáng hôm sau. Quá hoảng sợ, ngay đêm ấy, bằng tất cả mãnh lực của người bị dồn đến đường cùng, Bun Rany cùng vài phụ nữ khác táo bạo trốn khỏi trại tập trung của Khmer Đỏ. Họ chạy thẳng vào rừng, đến hừng sáng quá khát nước, cổ họng khô cháy, may sao họ lần tới được một bờ sông. Nhưng ai nấy đứng sửng lại, không dám vốc nước uống, vì “con sông ấy đầy các xác chết trôi lềnh bềnh”. Đó là xác chết của những người lớn và trẻ em bị giết bởi Khmer Đỏ. Khmer Đỏ có “thói quen quái dị, nếu người bị đói ăn cắp đồ ăn, bất cứ họ lấy thứ gì đều sẽ bị trói tay bằng khăn krama” ném xuống sông – như Bun Rany hồi tưởng: “tôi sẽ chẳng bao giờ quên cảnh tượng một đứa bé chết trôi, nó đã ăn cắp một quả ổi và bị trói tay thả sông” (Hun Sen, sđd tr.122).
Thái độ Sihanouk?
Với Trung Quốc, Sihanouk gọi “cách mạng văn hóa vô sản” của Mao đã gây “hỗn loạn” và “kéo Trung Quốc thụt lùi hàng thập kỷ, giết hại một số lãnh tụ tài giỏi nhất của đất nước này, trong đó có Lưu Thiếu Kỳ, một chính khách lớn và là người bạn đáng kính của tôi”. Riêng về Mao: “Quần chúng nhân dân coi ông là một ông thánh cộng sản không thể sai lầm. Nhưng tôi biết rằng không ai trên đời này là người không sai lầm” (Hồi ký Sihanouk – sđd.ở Kỳ 44, tr.157-158).
Với Khmer Đỏ, cách xử sự của Pol Pot với Sihanouk lúc đầu khá “ngọt ngào”. Pol Pot phái Khieu Samphan (sau này làm thủ tướng chính phủ của phe Khmer Đỏ) đến Bắc Kinh mời Sihanouk về lại Phnôm Pênh tháng 9.1975. Sihanouk đến từ giã Mao Trạch Đông, Mao nhắc lại mong nuốn của Mao là Sihanouk sẽ “ủng hộ các đồng chí Khmer Đỏ của ông (Mao Trạch Đông) ở Phnôm Pênh- nhưng câu trả lời của tôi đối với đề nghị của ông không khẳng định mà cũng không phủ định. Tôi tự giới hạn mình bằng cách mỉm cười tôn trọng”(Hồi ký Sihanouk –sđd. tr.148).
Mao Trạch Đông và Khmer Đỏ biết khó lay chuyển Sihanouk nên đã diễn màn “mèo vờn chuột”, không hãm hại ngay, mà giam lỏng, tính sau: “Trong khoảng thời gian từ tháng 4.1976 đến tháng 1.1979 tất cả chúng tôi đã bị quản thúc tại gia trong một khu biệt lập ở hoàng cung, hoàn toàn không được liên hệ với thế giới bên ngoài. Chúng tôi được trao những khẩu phần đạm bạc, phải tự nấu ăn, dọn dẹp lấy”(Hồi ký Sihanouk – sđd. tr.141). Mãi đến năm 1979, thoát khỏi “nhà tù sơn son” ở hoàng cung, Sihanouk mới biết Khmer Đỏ đã giết hại 5 người con của ông. Bi kịch thời đại cộng thêm nỗi buồn riêng, đã gợi lên trong Sihanouk những phác thảo đầu tiên cho bộ phim của ông: “Tham vọng chỉ còn lại tro tàn”… (còn nữa).
Giao Hưởng
Category: Mao Trạch Đông, Tư liệu
0 comments