Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay (46)
Hoàng thân Sihanouk: “Mao Trạch Đông đã chọn cách ủng hộ chế độ mới của Khmer Đỏ để (Pol Pot )ganh đua (thực hiện) cuộc cách mạng văn hóa được vợ ông, bà Giang Thanh, cổ vũ đang tàn phá đất nước ông” (Hồi ký Sihanouk – sđd ở Kỳ 44)
Hôm ấy nhằm 21 tháng bảy âm lịch, vùng núi Mộc Phong đã vào tiết Xử thử (dứt cơn nóng) cách đó một ngày. Còn gần hai tuần nữa mới đến tiết Bạch lộ (sa mù trắng) mà chim nhạn đen (huyền điểu) đã sớm bắt đầu họp đàn đông đúc, sum vầy, rủ nhau bay về núi – làm cô giáo Chu Quần thấy lẻ loi thêm. Vì chồng cô, anh Tưởng Hán Chính, thuộc đối tượng “xuất thân địa chủ” bị hồng vệ binh nông dân bắt đi mất, chưa về.
Đêm ấy, đến lượt cô, vừa chợp mắt bỗng tiểu đoàn trưởng dân quân Tưởng Văn Minh xô cửa xông vào, bắt cô dẫn ra sân kho của đại đội sản xuất Hoành Lĩnh. Cô thấy chồng mình Tưởng Hán Chính cùng 13 người khác bị trói quặt tay ra sau lưng bằng những sợi dây thép, đứng thành một cụm giữa sân. Vây quanh họ có đám đông hồng vệ binh nông thôn, mặt mày sát khí, cầm sẵn mã tấu, cuốc xẻng trên tay. Bí thư chi bộ Đường Hưng Hạo ra lệnh: “Đi!”
Chu Quần cùng chồng và những nạn nhân ghép vào “đối tượng thù địch của đảng và nhân dân” bị thúc ép đi nhanh lên núi Mộc Phong. Nửa đường, một đám cầm gậy tách ra chạy ngược về phía nhà Chu Quần bắt thêm ba đứa con nhỏ của vợ chồng cô lên theo. Tới nơi, dưới ánh đuốc lạnh lẽo, bí thư Đường Minh Hạo dõng dạc đọc “cáo trạng” lẫn bản “tuyên án” chỉ gọn lỏn trong một câu sấm sét:
- “Chúng tao là Tòa án tối cao của bần nông, hôm nay tuyên án tử hình tất cả chúng mày!”
Ai nấy phải đứng im, không được phép biện hộ một tiếng nào, nghe kêu tên người nào người đó phải bước tới, quỳ bên miệng hang sâu tối om, để các đao phủ áo đen “dùng xà beng quật vào sau não cho gục ngã, rồi đạp xuống hang” từng người một.
Người thứ nhất, thứ hai, đến người thứ ba là chồng Chu Quần. Anh Tưởng Hán Chính bị đánh mạnh xà beng vào ót trong ánh mắt kinh hoàng của vợ anh và tiếng kêu ré thảm thiết của ba đứa con anh…
Nạn nhân thứ tư là thầy thuốc Đông y Tưởng Văn Phàm. Phàm bình tĩnh đón nhận cái chết, ung dung đòi “một ngụm nước uống”. Chúng quát: “Làm gì có nước cho mày uống!”. Phàm là người duy nhất hôm ấy dám bắt bẻ: “Ngày xưa khi bị chặt đầu còn cho được ba cái bánh bao nóng để ăn!” – dứt lời, bị đạp ngay xuống hang. Tân Tử Lăng thuật tiếp (tài liệu đã dẫn ở Kỳ 2):
“Người thứ 8 là Chu Quần. Ba đứa trẻ nhìn mẹ bị hại, khóc lóc thảm thiết. Không biết ngất đi trong bao lâu, Chu Quần bỗng nghe tiếng gọi mẹ văng vẳng bên tai. Tỉnh lại, chị thấy đứa con gái 8 tuổi nằm bên, thì ra mấy cháu cũng bị ném xuống hang theo mẹ. Nhờ đám xác người bị giết trước, hai mẹ con chị sống sót. Chị bảo con cởi trói cho mình. Hôm sau, những kẻ giết người phát hiện dưới hang còn người sống sót, liền ném đá xuống. Hai mẹ con từ tầng trên rơi xuống tầng dưới nơi có những góc chết. Chị phát hiện chồng và hai đứa con trai nằm ở đó. Cả nhà may mắn thoát chết, một cuộc đoàn tụ hiếm hoi và thảm thương trên đống xác người dưới hang sâu tối tăm”.
Sợi dây thép trói tay anh Tưởng chặt quá như ăn dính vào thịt không làm sao cởi ra nổi. Đầu óc anh đâm ra hoảng loạn, không đứng yên được, cứ đi đi lại lại miệng nói lảm nhảm trên đống xác người. Cảnh thê lương dưới đáy hang như thế tiếp diễn suốt mấy ngày đêm không được rõ, cả ba đứa con của Chu Quần “lịm dần rồi tắt thở”. Anh Tưởng kêu khát nước “chị Chu lấy áo thấm vào vũng nước trộn máu, vắt ra cho chồng uống. Song anh không nuốt nổi, gục đầu xuống lìa đời. Sau nhờ hai học sinh đến cứu, chị thoát chết, và vụ giết người rùng rợn này mới có ngày được phơi trần”. Cuộc thảm sát ấy xảy ra đêm 26.8.1967 (21.7 Đinh Mùi).
Nhắc đến các vụ hành quyết man rợ thời Mao là để đối chiếu thấy rõ thêm cách Pol Pot giết người tương tự theo “bài bản của Mao” và phương châm: “tiết kiệm đạn”, không dùng súng, chỉ lấy cuốc xẻng đập đầu, hoặc các vật cứng khác để hành hình, như trường hợp:
“Phlek Chhat – một bác sĩ nội trú tại bệnh viện Preah Ket Mealea – đã bị bắt ở tỉnh Kompong Cham, bị nhét một ngọn đuốc đang cháy vào miệng và đã chết (…) Hàng trăm bác sĩ khác chẳng bao giờ gặp lại gia đình của họ sau khi bị bắt” (Hun Sen – sđd. tr. 250 - 251).
Mọi thảm cảnh ở Campuchia xuất phát từ chỗ “Pol Pot thấy được nguồn cảm hứng đối với chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Mao Trạch Đông và tìm cách tái tạo khuôn mẫu chủ nghĩa Mao ở Campuchia qua việc đấu tranh giai cấp và cải cách ruộng đất” (Hun Sen – sđd. tr. 52). Thảm kịch diễn ra ngay từ ngày đầu lúc Khmer Đỏ vừa tiến chiếm Phnôm Pênh vào 17.4.1975 và bùng to dữ dội sau ngày Pol Pot đến Trung Nam Hải “triều kiến” Mao Trạch Đông tháng 6.1975 (xem Kỳ 45):
Khmer Đỏ “phá hủy nền kinh tế, đã đóng cửa các doanh nghiệp và các nhà máy, đã tàn sát có hệ thống những người trí thức Campuchia được phương Tây đào tạo, các bác sĩ, các giáo viên và các nhà khoa học bằng nhiệt huyết điên rồ của Khmer Đỏ là xây dựng một nước Campuchia mới, một quốc gia “không có bất cứ ảnh hưởng nào của phương Tây” và họ đã “nhiễm đầy các tư tưởng Mao Trạch Đông” để xây dựng một xã hội dựa vào nền nông nghiệp” – một nền nông nghiệp quá lạc hậu và mang đầy dấu vết “nguyên thủy”.
Từ xuất phát điểm ấy, Pol Pot quay ra thù nghịch với hoạt động tài chính đương thời, đã “ghét tiền một cách cực đoan đến độ đánh sập tòa nhà Ngân hàng trung ương tại đại lộ Tou Samouth” (Hun Sen – sđd. tr. 233-234). Bà Saumura – bỏ công việc ở Paris để nhận làm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc Gia Campuchia – phê phán hành động đó của Pol Pot là đã “gây tổn thương lớn (…) khi Khmer Đỏ đánh sập hoàn toàn nhà ngân hàng này, Ngân hàng Trung ương, vì nó (dưới mắt Pol Pot) là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản. Họ muốn cho thấy thái độ thù địch của họ chống lại thị trường tự do” (Hun Sen – sđd. tr. 234).
Về giáo dục, Khmer Đỏ đóng cửa các trường học, hành quyết các nhà giáo, để rồi: “không sao có thể xây dựng lại một hệ thống giáo dục đúng nghĩa vì các giáo viên đã chết – toàn bộ những người làm nghề giáo đã bị giết bằng lưỡi lê” – Hun Sen, sđd. tr. 248. (còn nữa)
Category: Mao Trạch Đông, Tư liệu
0 comments