'Đại hội nên trao quyền dứt điểm'
Người dân Việt Nam rất quan tâm đến kỳ Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra, mặc dù về bề ngoài một số đông có thể nói là họ không 'quan tâm' để ý, theo nhận xét của một khách mời tại cuộc Tọa đàm Bàn tròn tuần này của BBC Việt ngữ.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng 'nên dẹp bàn cờ cũ để bầy một bàn cờ mới' cho thế hệ trẻ hơn tham gia lãnh đạo, theo ý kiến của một khách mời khác tại Bàn tròn hôm 21/01/2015, nhân Đại hội 12 chính thức khai mạc.
Trao đổi với Tọa đàm Trực tuyến hôm thứ Năm, bà Thảo Griffiths, Trưởng Đại diện Quỹ cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhận xét về bầu không khí và mức độ quan tâm nói chung của người dân ở Việt Nam và đặc biệt ở Hà Nội, nơi đang diễn ra kỳ Đại hội.
"Nếu như mà mình hỏi người ta là có quan tâm không, thì đa số người ta nói là 'tôi không quan tâm', hoặc là bày tỏ thái độ là 'vô can', nếu quan tâm chỉ quan tâm mức độ như là đứng ngoài xem một trận đấu bóng để chờ kết quả," bà Thảo Griffiths chia sẻ với BBC trong tư cách cá nhân là một công dân Việt Nam.
"Nhưng nếu như mà chúng ta xem Facebook, hay trang mạng xã hội khác, thì nói là tràn ngập thông tin chính thức, không chính thức, trích lại các nguồn khác nhau, thông tin trực tuyến liên quan đến đại hội.
"Điều đấy cho thấy rằng người dân Việt Nam rất quan tâm đến cái này và thực ra cũng có một lý do rất là cụ thể, đó là vấn đề công nghệ.
"Gần đây tôi được biết là điều tra về thanh niên của Việt Nam ở độ tuổi từ 20-29, sinh sống chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, thì người ta thấy rằng 85% các bạn trẻ trong độ tuổi 20-29 sử dụng smartphone (điện thoại thông minh).
"Nghĩa là dùng công cụ điện thoại để vào truy cập thông tin, thứ hai là trung bình hàng ngày, mỗi ngày mỗi bạn sử dụng khoảng 4,7 giờ đồng hồ để vào mạng Internet.
"Cho nên điều ấy có thể cho thấy rằng các bạn có công cụ hoặc có mong muốn để theo dõi những thông tin trực tuyến liên quan đến tình hình chính trị quan trọng của đất nước," bà Thảo Griffiths nói với Tọa đàm.
Dẹp bàn cũ, chơi từ đầu?
Phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC Việt ngữ đang theo dõi và tường trình kỳ Đại hội từ Hà Nội chia sẻ với Tọa đàm về các luồng ý kiến, quan điểm và quan tâm khác nhau ở Việt Nam về Đại hội.
"Có rất nhiều nhóm khác nhau, nhưng mà đúng là có một nhóm là không quan tâm gì cả.
"Nói chung là chuyện gì xảy ra thì đó không phải là việc của mình, đấy là việc của Đại hội. Thực ra những người lao động, người lái xe taxi hay là những bà giúp việc, tất cả những người lao động bình dân, bình thường thì có vẻ họ không quan tâm.
"Nhưng nói thế không có nghĩa là khi mình hỏi sâu hơn thì họ không quan tâm thật.
"Tức là có thể lúc đầu thì họ nói là họ không quan tâm, thế nhưng khi mình hỏi kỹ hơn một chút thì họ cũng rất là quan tâm là cái hướng đi tới đây sẽ như thế nào và đất nước sẽ ra sao.
"Ngoài ra, chắc chúng ta đã biết, trên Facebook bây giờ có việc lập ra những fanpage (trang của người hâm mộ), để ủng hộ ứng viên nọ hay ứng viên kia, tức là có một nhóm khác rất quan tâm và rất là "chủ động sáng tạo" trong việc tham gia vào đời sống chính trị của Đại hội Đảng.
"Tôi nghĩ là phóng viên, báo chí nước ngoài tường thuật về Đại hội này thì họ vẫn nói về 'dàn lãnh đạo mới'.
"Nhưng mà thật ra khi chúng ta nhìn vào 'dàn lãnh đạo mới', thì thực ra cũng không phải là mới. Những người đang tham gia vào cái tạm gọi là cuộc đua thì họ ở Bộ Chính trị cũng lâu rồi.
"Tuổi thì cũng không còn trẻ gì cả, thế thì tôi cũng không hiểu là trong 1.500 đại biểu, liệu có đại biểu nào dám phát biểu rằng nên chăng dẹp ván cờ đi, chơi lại từ đầu, để cho những người trẻ hơn, những người mà đang ở độ tuổi 40, 50 có cơ hội tham gia vào dàn lãnh đạo đất nước.
"Thì nếu chúng ta nhìn vào một hướng mở hẳn rộng ra như thế thì tôi nghĩ rằng có thể sẽ hay hơn," phóng viên BBC Nguyễn Hoàng đang có mặt ở Hà Nội bình luận.
Phóng viên của BBC cũng nói thêm rằng ở góc độ doanh nghiệp thì họ thực sự quan tâm tới những chính sách cụ thể chứ không phải là câu từ mà chắc chắn là sẽ "rất chuẩn" được soạn thảo kỹ lưỡng và được đọc lên trong báo cáo chính trị tại Đại hội.
Bàn giao ngay hay chờ?
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore bình luận với bàn tròn về nhân sự lãnh đạo ở Đại hội 12.
Trước câu hỏi là ban lãnh đạo Đảng nên chờ cho một ê-kíp chuyển giao, chuyển đổi và tạm thời 'ngồi thêm' từ một 1-2 năm nữa, hay là nên chăng chuyển giao thẳng cho một ê-kíp mới hơn bắt tay vào làm việc ngay, nhất là trong vị trí Tứ Trụ, Tiến sỹ Hợp đáp:
"Nếu như trường hợp ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm một thời gian nào đó nữa, một năm hay là hơn một năm thế nào đó nữa, rồi lại bàn giao tiếp cho một người nào đó nữa,
"Thì thực sự so với việc bây giờ mà có luôn một nhóm bốn người ở các vị trí chủ chốt ấy mà làm luôn một thể, so như thế thì khả năng mà làm luôn thì nó có thể dẫn đến sự ổn định hơn.
"Tuy nhiên, nếu mà xét về mặt đường lối mà nói, thì đường lối này được xây dựng một cách rất là công phu bởi Ban chấp hành Trung ương của Đảng. Cho nên khả năng rằng nếu mà có thay đổi gì ở giữa nhiệm kỳ 12, người nọ bàn giao cho người kia, thì nó không ảnh hưởng lắm," nhà phân tích chính trị Việt Nam nói.
Còn blogger Nguyễn An Dân, một nhà quan sát thời sự và chính trị Việt Nam, từ Sài Gòn, nêu quan điểm:
"Theo tôi, có lẽ tôi thiên về nhận xét của anh Hà Hoàng Hợp, là bây giờ bầu thì bầu luôn, rồi đợi 5 năm nữa là hết nhiệm kỳ một, thì có thể là bầu lại.
"Chứ bây giờ bầu một năm, xong rồi lại triệu tập 1.500 đại biểu về, rồi lại tổ chức bầu nữa, thì một năm đó cũng không giải quyết được vấn đề gì hết...
"Một năm mà một người mà cầm quyền thì nội làm quen với bộ máy đã hết thời gian, tại vì sắp tới là bộ máy mới, với những nhân sự mới và đường lối mới, anh có ngồi thêm một năm, anh chưa thích nghi được gì hết, thì anh đã xong hết thời gian của anh rồi," blogger Nguyễn An Dân nói với Bàn tròn."
Điều kiện tốt để cải cách
Chia sẻ với Bàn tròn, Tiến sỹ Cù Hùy Hà Vũ, một học giả đang được mời thỉnh giảng ở một số tổ chức tại Hoa Kỳ, nêu kỳ vọng về ban lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam ở Đại hội 12, đặc biệt về đối ngoại, mà trong đó là bang giao với phương Tây và Hoa Kỳ.
Ông Hà Vũ nói: "Tôi tin rằng sau Đại hội, ông Nguyễn Phú Trọng hoặc những người có tư tưởng như ông bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trước Trung Quốc xâm lược, cũng như kiên quyết chống tham nhũng, thì đó là những điều, dấu hiệu tốt...
"Để thực hiện cải cách kinh tế, cũng như để tạo một cơ sở tốt để phát triển quan hệ đa phương đặc biệt với các nước phương Tây và nhất là đối với Mỹ," ông Hà Vũ nói với BBC.
Đại hội 12 nhóm họp trong một tuần (từ 21-28/01, ngoài phiên trù bị hôm 20/1) sẽ quyết định hàng loạt các nội dung quan trọng và thông qua các báo cáo, văn kiện có tính chất then chốt, định hướng về đường lối, chính sách và chiến lược đối nội và đối ngoại của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian 5 năm tới.
Hôm thứ Năm, sau khi Chủ tịch Việt Nam, ông Trương Tấn Sang đọc diễn văn khai mạc Đại hội, Tổng bí thư Đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng đã trình bày báo cáo chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về các văn kiện Đại hội.
Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đọc bản Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.
Theo dự kiến của Ban Tổ chức Đại hội, ngày bế mạc Đại hội, hôm 28/01, sẽ ra mắt Tổng bí thư của khóa 12 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cùng dàn lãnh đạo mới của Đảng.
0 comments