Dành cho quảng cáo
liên hệ: groupviet@gmail.com

Góp ý kiến vào quá trình tiến đến Đại hội lần thứ XII của Đảng

Admin | 10:25 PM | 0 comments

* GS. TƯƠNG LAI 

Đã có khá nhiều ý kiến đóng góp về Văn kiện sẽ đưa trong Đại hội XII của Đảng, về quy trình bầu cử và chuẩn bị nhân sự cũng như nhiều vấn đề cụ thể khác. Tôi không có điều kiện đọc hết, nhưng qua một số bài tìm thấy trên mạng, đã có rất nhiều những ý kiến sâu sắc và rất thuyết phục như ý kiến của ông Nguyễn Thu Giang – Đoàn luật sư TPHCM, nguyên phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM về ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư hay ý kiến của ông Lê Công Giàu ở Chi bộ ấp 4B, Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM cô đọng, ngắn gọn mà rất sâu sắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp thiết thực, cụ thể và cần thiết rất đáng trân trọng đó, cũng rất cần những đóng góp về cơ sở lý luận của việc xây dựng Báo cáo chính trị và Quy chế lựa chọn nhân sự với những quy trình ứng cử, bầu cử từ cơ sở đến Đại hội thì tôi chưa đọc được, cũng có thể đã có nhưng tôi chưa tìm thấy. 
           Vì thế, trong ý kiến đóng góp với quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII, tôi muốn góp thêm vào chủ đề này. Với tư cách một người làm nghiên cứu, tôi sẽ cố gắng tiếp cận từ bình diện lý luận gắn với thực tiễn để trình bày ý kiến đóng góp với Đảng và cũng qua đó mong nhận được sự thẩm định của công luận về những ý tưởng đã trình bày và những kiến nghị với Đại hội XII. Tôi sẽ tập trung trình bày mấy vấn đề sau đây:
+ Từ bỏ mô hình đã lựa chọn sai, mô hình Xã hội chủ nghĩa.
+ Từ bỏ cái gọi là “Chủ nghĩa Mác-Lênin”
+ Trung thực và nghiêm túc thực hiện “Điều mong muốn cuối cùng” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
1. Về “Chủ nghĩa xã hội”
Cách đây 6 năm, năm 2009, theo lời mời của ông Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, trong một tham luận gửi đến Hội thảo về Phương pháp luận nghiên cứu Chủ thuyết phát triển và Tư tưởng Hồ Chí Minh” do Hội đồng này tổ chức tại TPHCM, tôi đã trình bày rõ: “Hiện nay, loài người không còn chủ nghĩa tư bản nguyên nghĩa nữa, mà cũng chưa từng có chủ nghĩa xã hội đích thực. Hai thuật ngữ chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, thì một không còn phản ánh một thực tế nào nữa, và một thì chưa hề phản ánh một thực tế nào cả. Cái thứ nhất là chủ nghĩa tư bản, cái thứ hai là chủ nghĩa xã hội! *
Cũng có nghĩa là mục tiêu mà chúng ta, nói đúng hơn là Đảng áp đặt cho cả dân tộc ta, cho toàn xã hội, phải hướng tới một mục tiêu mù mờ để ra sức xây dựng. Sự mù mờ đó thì chính ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ra chứ chẳng phải ai khác khi ông phát biểu rằng không biết đến hết thế kỷ XXI thì liệu đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện hay chưa! Cho dù vậy, ông vẫn áp đặt cái “Cuơng lĩnh xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, gọi tắt là Cương lĩnh 91” vào trong Hiến pháp 2013 vì ông ta đặt Cương lĩnh của Đảng cao hơn Hiếp pháp! Chuyện này thì báo Tuổi Trẻ đã đưa rất rành rọt, “thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi”, như sau: “Tại cuộc tiếp xúc cử tri này, Tổng bí thư cho biết trong kỳ họp sắp tới Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng nhất sau cương lĩnh của Đảng, là đạo luật gốc….
Có lẽ sẵn cái trớn này và cũng là noi gương ông, có vị bộ trưởng, Uỷ viên Trung ương Đảng trong buổi nói chuyện với các vị lãnh đạo Thành phố tại Học viện Chính trị Quốc gia TPHCM đã nói thẳng thừng: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”!
Một vị Thứ trưởng phát biểu tại hội thảo khoa học “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới, và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 22/12/2014) cũng nói lên một băn khoăn rất thật: “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững đượcNói là “rất thật”,  sau nhiều thập kỷ đi theo cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà càng đi càng không biết nó là cái gì thì làm sao mà đi tới được.
Đúng là cái mô hình xã hội chủ nghĩa “mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìmthế nhưng suốt mấy thập kỷ qua, Đảng vẫn áp đặt cái mô hình đó lên toàn xã hội, chẳng những thế lại đòi hỏi tất cả mọi người Việt Nam, kể cả những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài muốn Yêu nước thì phải Yêu chủ nghĩa xã hội. Oái oăm hơn nữa, áp đặt một cách hết sức khiên cưỡng lên tôn giáo, tín ngưỡng khi đòi hỏi Phật tử Phật giáo Việt Nam phải phát huy truyền thống “hộ quốc an dân” với phương châm Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Thử hỏi còn gì quá ngớ ngẩn hơn không và cái “Chủ nghĩa xã hội” gắn với “Đạo pháp” là thứ “Chủ nghĩa xã hội” gì, hình thù, diện mạo ra sao? Các nhà lý luận chính thống chắc cũng khó rao giảng về cái chủ nghĩa xã hội tạp pí lù này!
Gs Trần Phương, một nhà lý luận của Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, trong một Hội thảo của Hội Kinh tế Việt Nam đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội XI trước đây, đã đề cập đến chủ đề trên một cách dung dị, thẳng băng không úp mở, đúng hơn là “huỵch toẹt” ra cho dễ hiểu như sau:
Thế bây giờ cái chủ nghĩa xã hội của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác! Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái chủ nghĩa xã hội mà chúng ta sẽ đi là cái chủ nghĩa xã hội gì đây? Có nhiều người bảo rằng thôi thì ta cứ đành lấy khẩu hiệu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh, đó là chủ nghĩa xã hội.
Tôi xin lỗi ông. Đấy không phải chủ nghĩa xã hội! Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tôi hỏi anh: anh đã bằng (…) Thụy Điển và (…) Na Uy chưa? Nó không xã hội chủ nghĩa cũng công bằng, mà công bằng hơn ông, mà văn minh thì tất nhiên là hơn ông rồi. Thế thì cái chủ nghĩa xã hội mà anh bảo rằng là lấy cái khẩu hiệu dân giàu, nước mạnh mấy cái câu đó mà thay thế cho chủ nghĩa xã hội, đấy là chủ nghĩa xã hội của tớ đấy! Tôi nghĩ không đúng. Ông bịp thiên hạ với cái chữ chủ nghĩa xã hội của ông”!
Trên thực tế thì hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu, chỉ còn lại cái hình hài đã biến dạng tại Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba và Bắc Triều Tiên! Mà sụp đổ là do đã chọn cái gọi là Chủ Nghĩa Mác-Lênin làm “kim chỉ nam”. Trong tham luận nói trên, tôi đã trình bày rõ: “Trong quãng thời gian từ tháng 5/1975 đến nay (2009), đất nước ta đã tụt hậu như thế nào so với những nước châu Á có cùng một trình độ kinh tế như nước ta, thậm chí xuất phát điểm của họ còn thấp hơn của ta, nhưng vì họ không cần đến kim chỉ nam như ta nên họ đã vượt xa ta. Mà với kim chỉ nam đó, để đuổi kịp Hàn Quốc hay Singapore, ta phải phấn đấu liên tục trong 30 năm với giả dụ trong thời gian đó họ dậm chân tại chỗ để đợi ta!”. *
Thế rồi oái oăm hơn khi chỉ còn lại có mấy nước “anh em” vừa liệt kê ra trên đây, thì một ông lãnh tụ trẻ cũng ở bán cầu phía Đông đang bận rộn thanh toán đối thủ chính trị bằng những thủ đoạn tàn khốc như tử hình Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng bằng đại bác khiến cả nước và thế giới khiếp vía với cái “Chủ nghĩa xã hội” của ông lãnh tụ tối cao, hậu duệ của hai đời lãnh tụ tối cao lão thành đã quy tiên đang kiên trì xây dựng còn một ông lãnh tụ khác ở bán cầu phía Tây thì lại đang “xoay trục”.
Thì chẳng phải vừa rồi ở Cuba, Chủ tịch Raul Castro, em ruột của lãnh tụ tối cao Fidel đang là “thái thượng hoàng”, đã nắm chặt tay Tổng thống Hoa Kỳ khi Obama đi một nước cờ cao, đã chìa tay ra với người cộng sản kiên định ở sát cạnh mình, thế rồi nhân dân Cuba vỗ tay rầm rầm chào đón sự kiện động trời này sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi đó sao?
Nhưng còn “động trời” không kém khi người cộng sản Cuba kiên định Raul Castro kia đã sẵn sàng từ bỏ nguyên tắc để sẽ “trở về với giáo hội”. Xin trích nguyên văn phát biểu của Chủ tịch Cuba vào sáng chúa nhật 10.5.2015, sau khi Giáo hoàng Francis tiếp và hội kiến riêng hơn 50 phút đồng hồ như sau:
Tôi đã đọc tất cả những bài diễn văn và các văn kiện của Đức Giáo hoàng, và tôi nói với Thủ tướng rằng nếu Đức Giáo hoàng tiếp tục con đường đó, tôi sẽ trở lại cầu nguyện và tôi sẽ trở về với giáo hội, và tôi không nói đùa đâu. (if the pope continues this way, I will go back to praying and go back to the church, and I’m not joking). Ông nói tiếp: “Tôi xuất thân từ Đảng Cộng sản Cuba, là đảng không cho phép các đảng viên theo đạo, nhưng bây giờ chúng tôi đã bỏ cấm đoán này, đó là một bước quan trọng”. (I am from the Cuban Communist Party, that doesn’t allow (religious) believers, but now we are allowing it, it’s an important step).
Sự kiện trên gợi nhớ lại cái mệnh đề bốc đồng của một thời về hai nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cuba, hai pháo đài của chủ nghĩa xã hội ở Đông và Tây bán cầu với sứ mệnh cao cả là hai pháo đài vững chắc của thành trì xã hội chủ nghĩa thế giới, vì thế mà tự nhận nhiệm vụ “anh thức tôi ngủ” để canh cho sự an toàn của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Có lẽ cả hai thức trắng đêm canh gác quá lâu cho sự an toàn của chủ nghĩa xã hội đã ngủ gật nên để cho hệ thống sụp đổ tan tành! Thế là hình như chỉ còn lại ba nước kiên định xã hội chủ nghĩa là Lào, Trung Quốc và Việt Nam chúng ta, những nước “núi liền núi, sông liền sông”.
Khoan hãy nói đến Lào và Việt Nam, chi xin gợi lên vài nét về nước xã hội chủ nghĩa khổng lồ, người bạn láng giềng cùng chung ý thức hệ với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thời Đặng và đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời Tập.
Với lý thuyết “mèo trắng mèo đen” của Đặng, rồi luận điểm “nhất quốc lưỡng chế, một nước hai chế độ, nền kinh tế Trung Quốc đã dần dần trở thành nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới để đến thời Tập Cận Bình với “giấc mơ Trung Hoa”, siêu cường mới tự giới thiệu với thế giới một “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” nhưng thực chất là một Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc”.
Theo Financial Times hôm 1.6.2015 dẫn lời François Godement của European Council on Foreign Relation, một chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc cho rằng: Từ hai năm qua, Tập Cận Bình đã chứng tỏ quyền uy cả trong nước lẫn ngoài nước. Trong một Trung Quốc toàn cầu hóa, ông ta cao giọng rao giảng những luận điệu vốn đã dân tộc chủ nghĩa đến cực độ. Mượn danh chống tham nhũng, Tập Cận Bình trừ khử tất cả các đối thủ thực sự hay tiềm năng. Lo sợ sự tương phản quá mức trong một nền kinh tế đang cải cách, vừa tạo ra của cải vừa gây thêm bất bình đẳng, hay một “xã hội dân sự” được thúc đẩy bởi những làn gió mới bên ngoài, Tập Cận Bình bóp nghẹt tất cả phong trào đối lập, biện minh bằng chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc”.
Từ sau khi thời đại Mao chấm dứt, Trung Quốc chưa bao giờ trong tình cảnh bị siết chặt đến thế về an ninh và ý thức hệ. Dự luật an ninh quốc gia vừa được công bố gồm cả chống lại “những giá trị phương Tây” và ảnh hưởng nước ngoàiTập Cận Bình bị ám ảnh bởi sự sụp đổ của Liên Xô với cơn ác mộng Gorbachev.
François Godement nhận định rằng: ông Tập vừa muốn hiện đại hóa Nhà nước độc Đảng” hay chính xác hơn là tái khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nướcTheo ông, chủ trương của Tập Cận Bình: “Chấp nhận chủ nghĩa cá nhân, xã hội tiêu thụ và một số biện pháp tự do hóa nền kinh tế, miễn là không đụng chạm đến Nhà nước độc đảngĐó là những nghịch lý của “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”.
Xem ra những ai đó trong bộ máy quyền lực, ngưỡng mộ cái mô hình xã hội chủ nghĩa này của Tập, đang cố áp đặt mô hình ấy vào nước ta khi mà uy tín của Đảng trong dân, kể cả trong nhiều đảng viên hiểu rõ về thời cuộc, đã xuống đến tận đáy. Liệu có phải họ cũng muốn đi theo những chỉ dẫn của Tập, mượn danh chống tham nhũng, trừ khử tất cả các đối thủ chính trị thực sự hay đang ở dạng tiềm năng. Ho sợ sự tương phản quá mức trong một nền kinh tế đang cải cách, vừa tạo ra của cải vừa gây thêm bất bình đẳng kéo theo sự mất ổn định xã hội, họ sợ một “xã hội dân sự” được thúc đẩy bởi những làn gió mới bên ngoài, nên chủ trương bóp nghẹt tất cả những xu hướng dân chủ hoá chống lại sự độc tài phản dân chủ, phản tiến bộ rồi biện minh bằng luận điệu hàm hồ là “kiên định con đường mà Bác Hồ đã chọn”! Bác chọn cái gì, xin sẽ nói tiếp ở mục thứ ba.
Nhân chuyện Cuba và những điều vừa dẫn ra, tôi lẩn thẩn tự đặt câu hỏi, không hiểu vào dịp sắp tới khi ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ, câu chuyện của Raul Castro vừa gợi lên đây có khiến ông phải cân nhắc giữa viện kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa với “nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa” mà ông từng kiên quyết không chấp nhận trong đó có “tam quyền phân lập”. Thậm chí những ai đòi hỏi cần phải có nguyên tắc cơ bản đó thì mới có nhà nước pháp quyền đúng với nghĩa của nó thì ông quy vào tội suy thoái tư tưởng, đạo đức và phải “quan tâm xử lý” 1. Đặc biệt là đối với sự vận hành cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chắc cái định hướng này sẽ buộc phải xem xét lại với luật chơi mới của TPP khi Việt Nam đang phấn đấu quyết liệt để trở thành một thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương đó. Xin dẫn ra đây một mẩu tin vừa đọc được trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn: “Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mai vừa trở về từ cuộc đàm phán song phương Việt Nam – Hoa Kỳ về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở Washinton DC hôm Chủ nhật 27-4, nói ông lo ngại thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay không tương thích với TPP. Ông giải thích: Ví dụ, trong TPP đề cao vai trò của xã hội dân sự, đề cao sự tự do thành lập các hiệp hội. Đây là vấn đề rất nhạy cảm về chính trị với chúng taNếu vì về vấn đề rất nhạy cảm về chính trị” này động chạm đến sự kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà ông Tổng Bí thư lại để vuột mất thời cơ một đi không trở lại để tạo ra một bước đột phá, đưa đất nước đi tới trong bối cảnh mới thì chưa chừng, để tránh được xem là tội đồ của lịch sử mà là người thúc đẩy lịch sử, ông phải tham khảo bước đi của ông Raul để nhìn nhận lại về mô hình Chủ nghĩa Xã hội mà ông đang kiên trì áp đặt trên đất nước mình.
Nhân dân vốn rất tỉnh táo và sáng suốt, vì thế mà rất bao dung và công minh khi nhìn nhận những người lãnh đạo. Họ biết bỏ qua những sai lầm, khiếm khuyết do sự bất cập của trí tuệ bản thân và sự khiên cưỡng của cơ chế tuyển chọn, để sẵn sàng ghi nhận những đóng góp của những người, do sự đưa đẩy của số phận và thời cuộc, đã được trao cho những sứ mệnh qúa lớn vượt khỏi tầm vóc của người phải nhận sứ mệnh đó. Lịch sử vốn rất sòng phẳng trong sự khoan dung và công bằng.
Đã có những tấm gương tày liếp về chuyện kiên định lập trường xây dựng xã hội chủ nghĩa mà đã đẩy đất nước rơi vào thảm hoạ như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có ảo tưởng dựa vào Trung Quốc để cố níu kéo mấy nước xã hội chủ nghĩa còn lại khỏi sụp đổ sau khi Bức tường Berlin đã bị phá vỡ. Chính cái ảo tưởng đó, hệ quả trực tiếp của một tầm tư duy hạn hẹp và thiển cận đã dẫn đến Hội nghị Thành Đô năm 1990 với hệ luỵ khủng khiếp mà mọi người đã thấy. Nếu chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa là sản phẩm của một ảo tưởng duy ý chí thì cái gọng kìm Trung Quốc với Hội nghị Thành Đô siết chặt con mồi Việt Nam lại là một hiện thực trực tiếp đau đớn mà ai cũng thấy được.
Ấy vậy mà, “trong lịch sử chưa có một mô hình xã hội chủ nghĩa nào”, mà ngay cả những nhà sáng lập ra học thuyết Mác “cũng chưa bao giờ đề ra một định nghĩa có tính chất hình mẫu về chủ nghĩa xã hội khoa học cả, chính khoa học là ở chỗ đó”, nhận định đó đước đưa ra từ hơn 20 năm trước*. Thời gian đã đủ để chứng minh rằng việc áp đặt mô hình xã hội chủ nghĩa cho mục tiêu phấn đấu xây dựng đất nước là một sai lầm, không chỉ là phản khoa học mà còn là phản tiến hoá. Đã quá muộn để dứt khoát từ bỏ mô hình đó. Nhưng muộn còn hơn là ngoan cố duy trì một lựa chọn sai lầm đã đẩy đất nước đi vào ngõ cụt. Điều có ý nghĩ thuyết phục mạnh mẽ hơn cả là không có Chủ nghĩa Xã hội” trong “Điều mong muốn cuối cùng” của Hồ Chí Minh trong Di chúc.
2. Về cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin
Như vừa trình bày ở trên, “kim chỉ nam” của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chính là “Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Nhưng thực chất cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” đó là gì, nó từ đâu tới và hiện nay số phận của nó ra sao thì cho đến nay, người ta vẫn chưa đưa ra những lý lẽ thuyết phục. Mà xét đến cùng thì cũng không thể thuyết phục được với một khái niệm tiên thiên bất túc như khái niệm được lấy làm kim chỉ nam” cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội” đang được áp đặt. Vì thế, cần phải thật sự sòng phẳng trước lịch sử. Và muốn vậy, phải thật sự tường minh về cái gọi là “Chủ nghĩa Mác-Lênin” ấy trên bình diện lý luận cũng như trong thực tiễn.
Sự thật thì đã từ lâu, những người cộng sản có sự hiểu biết sâu sắc về lý luận trong một số Đảng Cộng sản đã từ bỏ khái niệm và cụm từ “Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Nhiều Đảng Cộng sản đã chính thức từ bỏ từ khoảng hơn năm chục năm nay. Họ chỉ thừa nhận rằng có học thuyết của K. Marx và rồi sau đó có sự đóng góp của V.I. Lenin và của một số nhà lý luận cộng sản khác vào học thuyết ấy, chứ không hề có cái gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin”, một sản phẩm xuyên tạc, cả cố ý và vô tình của J. Stalin để rồi khi đi về phương Đông thì nó lại bị nhào nặn bởi những tư tưởng lý luận Maoít để trở thành “kim chỉ nam” dẫn đến những thảm hoạ.
Điều cần lưu ý là, sinh thời K. Marx không bao giờ tự nhận có một “chủ nghĩa Mác”, thậm chí K. Marx từng viết: Tôi chỉ biết một điều là tôi không phải là người Mác-xít”. Về sau này, do nhu cầu của cách mạng mà những đồng chí của C. Mác, trước hết là F. Engels mới nói đến “Chủ nghĩa Mác” với tính cách là một học thuyết nhằm dẫn dắt sự nghiệp cách mạng. Điều này là đòi hỏi khách quan, cho nên nó cần thiết. K. Marx nói vậy là do nhận thức sâu sắc được sứ mệnh chân chính của một nhà khoa học. Nhưng sau đó, với trách nhiệm lãnh tụ của phong trào công nhân, Ph.Angghen cần đến một học thuyết để làm ngọn cờ tư tưởng lý luận cho phong trào, thì không có ai xứng đáng hơn là C. Mác. Khái niệm “chủ nghĩa Mác” ra đời là một đòi hỏi của lịch sử phong trào công nhân thế giới, trước hết là Châu Âu. Vả chăng, lúc này K. Marx đã qua đời! Hình như sau này, “chủ nghĩa Lênin” cũng được tạo dựng theo cách ấy nhưng về sau thì bị diễn dịch theo động cơ và những dụng ý khác của J. Stalin.
Ở ta, thuật ngữ “Chủ nghĩa Lênin” được xuất hiện năm 1927 trong cuốn “Đường Cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Lúc ấy chưa xuất hiện thuật ngữ “Chủ nghĩa Mác-Lênin” vì thuật ngữ này chỉ được tạo ra từ đầu những năm 1930 và chính thống hoá trong tác phẩm “Lịch sử tóm tắt của Đảng Cộng sản (BSV)” (tức là Đảng Bolchevik) do J. Stalin chỉ đạo soạn thảo đã là “sách gối đầu giường” biến thành kinh nhật tụng của những người không am hiểu về học thuyết Mác. Rõ ràng là, cũng như chính bản thân những tác giả của nó với tư cách là nhà khoa học và nhà cách mạng, học thuyết của K. Marx cũng như sự nghiệp của ông đang còn dang dở. Vả chăng, K. Marx là người mà sự sửa chữa đến nhanh hơn sự hình thành, chưa kịp hình thành đã sửa chữa*. Vì vậy, cần phải thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, thiếu sót trong tư tưởng lý luận của một học thuyết ra đời trong bối cảnh của thế kỷ XIX, học thuyết Mác. Đó là những sai lầm rất cơ bản trong chính tư duy lý luận của những người sáng lập học thuyết ấy đã bị thực tiễn bác bỏ, nhưng điều cần thiết hơn nữa là phải chỉ rõ những xuyên tạc và làm méo mó học thuyết Mác theo ý đồ của Stalin và rồi của Mao khi vận dụng vào thực tiễn nước ta. Những sai lầm trong cách vận dụng học thuyết K. Marx, nhất là cố tìnhphóng đại một cách thô thiển và dại dột những luận điểm sai lầm của K. Marx, đặc biệt là của V. Lenin được biến tấu qua những luận điểm Stalinnít và Maoít. Chính điều này đãlàm trầm trọng thêm những khuyết tật của bệnh giáo điều, nô lệ sao chép những công thức, những luận điểm đã bị cuộc sống vượt qua! Tất cả những cái đó đã đưa đến những thảm trạng của đất nước hôm nay.
Xin chỉ gợi ra hai điều cốt lõi nhất đã lũng đoạn và áp đặt trong toàn bộ chủ trương đường lối xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trong suốt hơn nửa thế kỷ qua như: đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy sự phát triển và đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản và gắn liền với nguyên lý đó là xoá bỏ chế độ tư hữu. Thật ra, người đầu tiên sử dụng thuật ngữ chuyên chính vô sản không phải là K. Marx mà là Blanqui, nhà cộng sản không tưởng người Pháp. K. Marx đã vận dụng khái niệm này vào năm 1848 với hàm ‎ý rằng “cuộc đấu tranh giai cấp nhất thiết dẫn tới chuyên chính vô sản, bản thân nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến tới thủ tiêu tất cả mọi giai cấp để tiến tới một xã hội không giai cấp”.
Thế nhưng, dưới ngòi bút của K. Marx, kể cả trong bản nháp, bản thảo viết tay, trong các tài liệu nội bộ không nhằm công bố, trong các bức thư viết cho anh em bè bạn hoặc thư góp ý cho đồng chí của mình hiện còn lưu giữ được, thì tần số xuất hiện của thuật ngữ chuyên chính vô sản không đến mười lần! Ngoài sự xuất hiện lần đầu vào năm 1848 ấy thì trong suốt 20 năm tiếp theo, K. Marx cũng như F. Engels không dùng thuật ngữ này nữa. Cũng xin nói thêm rằng công trình đồ sộ nhất của K. Marx là bộ Tư bản thì trong đó lại không có một định nghĩa rõ ràng nào về khái niện giai cấp cả.
Còn về khái niệm tư hữu mà trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản xuất bản năm 1848 K. Marx “tóm tắt lý‎ luận của mình thành công thức duy nhất: xóa bỏ chế độ tư hữu” thì chỉ là cách nói thật gọn và vắn tắt “một quá trình cải tạo toàn bộ xã hội”, và cũng chính ông khẳng định rằng: “chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của kẻ khác”.
Nhưng đến V. Lenin rồi đặc biệt là J. Stalin thì chuyên chính vô sản là đảng trị vì đảng đã trở thành một siêu nhà nước. Với Mao thì biến tấu của nó càng khủng khiếp hơn để khi du nhập vào Việt Nam thì “chuyên chính vô sản” chiếm lĩnh vị trí then chốt trong tư duy của người nắm quyền lực với luận điểm ưa thích là “súng đẻ ra chính quyền”. Mà vì thế, xóa bỏ chế độ tư hữu đã trở thành điểm quy chiếu trong sự phân định cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội!
Một sự xuyên tạc do bất cứ lý do gì, do trình độ hạn chế hoặc bị mê hoặc bởi những giáo điều, thì hệ luỵ của nó cũng rất khó mà đo đếm cho xuể. Cho nên như đã trình bày, vấn đề “xoá bỏ chế độ tư hữu” trở thành một điểm quy chiếu trong cuộc đấu tranh ai thắng ai, trong định hướng bản chất của Chủ nghĩa Xã hội, phải giữ bằng được “công hữu”, mất sở hữu toàn dân, trong đó có đất đai, là mất Chủ nghĩa Xã hội đã để lại những vết hằn quá sâu trên cơ thể đất nước mà muốn xoá những vết hằn đáng xấu hổ đó sẽ phải có một quyết tâm rất lớn cùng với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Người ta không hiểu được rắng vấn đề xoá bỏ chế độ tư hữu nêu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là “tóm tắt lý luận của mình thành công thức duy nhất” chỉ là cách nói thật gọn, thật vắn tắt một quá trình cải tạo toàn bộ xã hội. Làm được cái đó hay không sẽ còn rất nhiều chuyện phải bàn, song ngay vào thời điểm ấy, chính K. Marx đã khẳng định: “chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của kẻ khác”.
Quá trình cải tạo xã hội ấy không phải là sự xóa bỏ giản đơn bằng một mệnh lệnh hành chính hoặc là “sự tước đoạt lại những kẻ đi tước đoạt”, mà phải là sự phát triển tất yếu của đại công nghiệp đưa tới sự thay đổi cơ bản môi trường sống của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Trong thuật ngữ đương đại, thì đấy là con người phải tự biến đổi để thích nghi với môi trường mới do chính họ tạo ra. Không có sự phát triển của đại công nghiệp thì không thể có quá trình cải tạo toàn bộ xã hội để thực hiện kết quả cuối cùng là xóa bỏ chế độ tư hữu trong quan niệm của K. Marx vào thời điểm ấy.
Marx trình bày rất dứt khoát: “Như vậy là chỉ với công nghiệp lớn, mới có khả năng xóa bỏ được sở hữu tư nhân”. Nói cách khác, trong tư duy lý luận của K. Marx, xóa bỏ chế độ tư hữulà hệ quả của việc thực hiện thành công chủ nghĩa cộng sản như ông mơ ước. Với ông, sở hữu tư nhân là một phương thức quan hệ cần thiết ở một giai đoạn phát triển nào đó của lực lượng sản xuất. Phương thức quan hệ sở hữu tư nhân ấy người ta không thể tách khỏi nó, không thể bỏ qua nó trong sự sản xuất ra cuộc sống vật chất, cho tới khi nào tạo ra được những lực lượng sản xuất mà sở hữu tư nhân là một ngăn cản và trở ngại đối với những lực lượng sản xuất ấy.
Để hiểu vấn đề khá phức tạp này, xin dẫn ra đây lập luận của K. Marx về lợi ích và sở hữu, về “lợi ích phổ biến hư ảo, dưới hình thức nhà nước… biểu hiện như một lực lượng xa lạ” trong Hệ tư tưởng Đức: “Sự tha hoá ấy – dùng từ đó để cho các nhà triết học dễ hiểu sự trình bày của chúng tôi – dĩ nhiên chỉ có thể bị xoá bỏ khi có hai tiền đề thực tiễn. Để trở thành lực lượng “không thể chịu đựng được nghĩa là một lực lượng mà người ta phải làm cách mạng để chống lại, thì điều cần thiết là sự tha hoá đó phải biến đa số trong nhân loại thành những người hoàn toàn không có sở hữu, đồng thời mâu thuẫn với cái thế giới đầy dẫy của cải và học thức đang tồn tại thực sự  – cả hai điều này đều giả định trước là phải có sự tăng lên to lớn của sức sản xuất.
Mặt khác, sự phát triển ấy của những lực lượng sản xuất cùng với sự phát triển này, sự tồn tại có tính chất lịch sử thế giới, chứ không phải có tính chất địa phương nhỏ hẹp, của con người đã thực hiện một cách kinh nghiệm chủ nghĩa, là tiền đề thực tiễn tuyệt đối cần thiết, vì không có nó thì tất cả sẽ chỉ là một sự nghèo nàn sẽ trở thành phổ biến; mà với sự thiếu thốn tột độ thì ắt sẽ bắt đầu trở lại một cuộc đấu tranh để giành những cái cần thiết, thế là người ta lại không tránh khỏi rơi vào cũng sự ti tiện trước đây.”
Cần nhớ rằng K. Marx viết những dòng này vào năm 28 tuổi, và suốt đời K. Marx đã tập trung nghiên cứu về sở hữu kinh tế và trình bày tập trung trong Tư bản. Chính ở đây có một tư tưởng rất quan trọng: khi sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đã bị xóa bỏ, sẽ xuất hiện sở hữu cá nhân của người lao động bao gồm cả tư liệu sản xuất chứ không phải chỉ là tư liệu sinh hoạt. Tư tưởng lý luận này không phải sau này mới có mà ngay trong Hệ tư tưởng Đức, K. Marx cũng đã có nói đến tuy còn lúng túng: sở hữu cá nhân của những người lao động dựa trên những thành quả của thời đại tư bản chủ nghĩa, dựa trên sự hợp tác của những người lao động được giải phóng và sự chiếm lĩnh chung tất cả các tư liệu sản xuất, kể cả đất đai. Ở đây có sự nhập nhằng, đã công hữu về tư liệu sản xuất nhưng vẫn có sở hữu cá nhân của người lao động về tư liệu sản xuất.
Dù sao thì những lập luận nói trên vẫn còn được diễn đạt theo cách ngoại suy. Nhiều năm sau đó, khi viếtTư bản, K. Marx đã thấy ra được rằng, cái sẽ thay thế cho sở hữu tư nhân là sở hữu cá nhân của con người lao động mới hợp tác với nhau, chứ không phải sở hữu công cộng hiểu một cách giản đơn là tập thể hoá, quốc hữu hoá như người ta đã làm. Rõ ràng, suốt cả quá trình suy nghĩ và trăn trở về điều này, tư duy khoa học của K. Marx đã trải qua nhiều chặng với nhiều biến đổi, trong đó chồng chất những sai lầm. Cũng nên nhắc lại rằng bộ Tư bản được K. Marx nghiền ngẫm và biên soạn ròng rã suốt 25 năm trời, thế nhưng sinh thời K. Marx chỉ cho ra mắt Quyển I (in xong ngày 14.9.1867), còn những quyển tiếp theo thì mãi sau khi K. Marx qua đời, F. Engels mới lần lượt xuất bản.
Chính vì thế, cần lưu ý thêm, trong một số trường hợp, đúng là K. Marx có nói về “xoá bỏ sở hữu tư nhân”, nhất là thời kỳ đầu, lúc trẻ, nhưng suốt về sau này, khi K. Marx dùng cụm từ “xoá bỏ sở hữu tư nhân” trong phần lớn trường hợp, ý của K. Marx muốn chỉ rõ đó là “xoá bỏ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa” mà theo quan niệm của K. Marx trong bối cảnh tích lũy sơ khai của chủ nghĩa tư bản, thì sở hữu đó là để nô dịch lao động của kẻ khác. Nhận thức ấy của chàng thanh niên K. Marx thế kỷ XIX đúng sai như thế nào thì phải đặt nó vào thời điểm lịch sử ấy mà xét đoán.
Nêu lên những điều trên hoàn toàn không nhằm biện hộ cho những sai lầm của học thuyết Mác, mà chỉ để nói rõ hơn những biến dạng của những cái mà người ta gán cho K. Marx do không hiểu một cách kỹ càng luận điểm của K. Marx, hoặc là do đọc mà không hiểu, nhưng tệ hại nhất là do ăn theo nói leo như vẹt những giáo điều được rao giảng bởi những người đang nắm quyền lực để dễ lọt được “mắt xanh” của ai đó cũng rất mù mờ về lý luận Mác nhưng lại có quyền phán bảo và rao giảng! Chính cái đó gây tai hoạ cho cuộc sống mà đã quá muộn để phải thật sòng phẳng về điều này để rồi những biến dạng tệ hại đó lại tiếp tục chi phối quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội XII, tiếp tục gây tai hoạ cho đất nước.
Phải mạnh dạn và trung thực chỉ rõ rằng khi vận dụng một cách quá thô thiển và nông cạn mệnh đề “xoá bỏ chế độ tư hữu” gắn liền với mệnh đề “chuyên chính vô sản” để thể hiện nó trong chủ trương, đường lối, trong chính sách và giải pháp đã đưa đến những nguy hại không sao lường trước được cho đến tận hôm nay, thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI! Thì chẳng phải cũng chỉ cách đây mấy năm thôi, trong một bài viết của Võ Văn Kiệt đề cập đến vấn đề này đã lập tức bị Trần Trọng Tân phê phán quyết liệt.
Phê phán cái gì? Phê phán những ý tưởng mà Võ Văn Kiệt nhắc đến về những gợi mở của Lê Duẩn trong sự vận dụng một cách quá thô thiển và nông cạn mệnh đề “xoá bỏ chế độ tư hữu” gắn liền với mệnh đề “chuyên chính vô sản” nói trên:
Trong nhiều lần trao đổi, nhận xét và chỉ đạo những công việc chúng tôi đang tiến hành tại Thành phố Hồ Chí Minh, Anh Ba nêu rất nhiều gợi ý hết sức mạnh dạn và sáng tạo. Qua những ý kiến chỉ đạo của Anh, tôi hiểu Anh đang trăn trở về mô hình phát triển của đất nước mình không thể rập khuôn theo mô hình của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, mô hình Trung Quốc. Cũng như trước đây trong chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng, tôi thấm thía lời căn dặn của Anh: chỉ lúc nào chúng ta độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, từ lợi ích của dân tộc, lúc ấy chúng ta thắng lợi, lúc nào chúng ta lệ thuộc, giáo điều sao chép của người ta, lúc ấy cách mạng phải trả giá nặng nề.
Tôi hiểu, Anh không tán thành mô hình Xô Viết. Qua tìm hiểu thực tế ở các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và suy ngẫm về lý luận, Anh nhận ra có quá nhiều vấn đề bất ổn. Anh không tán thành áp đặt thể chế nhà nước chuyên chính vô sản khi mà nhân dân đã giành lại được quyền làm chủ đất nước mình bằng những hy sinh không sao kể xiết, không thể vô sản lại chuyên chính với chính mình, với nhân dân. …
Đáng tiếc là, những lóe sáng trong bộ óc tìm tòi, sáng tạo của Lê Duẩn chưa được giới lý luận suy nghĩ, bàn bạc một cách nghiêm túc để định hình được một hệ thống lý luận hoàn chỉnh từ sự đúc kết thực tiễn thay vì những lời tụng ca xu thời lúc Anh Ba giữ cương vị Tổng Bí thư và những quy kết vô lối đầy ác ý khi Anh Ba qua đời. Giờ đây nhớ lại, Anh Ba đã từng phê phán những tư tưởng hạn hẹp chỉ bó gọn tầm mắt và mối quan hệ trong COMECOM.
Đôi lúc trao đổi với chúng tôi, Anh nghĩ đến việc phải học hỏi thêm những thành tựu kinh tế và mở rộng quan hệ với Châu Âu, với Nhật, với Mỹ. Anh Ba cho rằng đó không chỉ là chuyện chính sách và chiến thuật, mà phải ở tầm đường lối cơ bản. Trong suy nghĩ về đường lối phát triển kinh tế, Anh Ba cũng đã từng nói đến kinh tế hộ, kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân chứ không phải chỉ nhấn mạnh quốc doanh là ưu việt nhất một cách tràn lan mọi ngành, mọi lúc. Ngay cả vấn đề khoán hộ của đồng chí Kim Ngọc ở Vĩnh Phú, mặc dầu lúc ấy đã có kết luận chính thức, song Anh Ba vẫn động viên cần tiếp tục tìm tòi cái mới trong quản lý sản xuất nông nghiệp.
Chính tôi đã nhiều lần nghe Anh Ba phê phán những khuyết tật cơ bản của kế hoạch hóa tập trung quan liêu, và đòi hỏi phải dám mạnh dạn tìm tòi cơ chế mới phù hợp với từng bước phát triển của đất nước mình. Anh Ba đã có lần gợi ý với chúng tôi những vấn đề cần suy nghĩ về vai trò của giá, của tài chính tiền tệ, những công cụ và đòn bẩy chính của kinh tế thị trường mà ta nói hiện nay. Rõ ràng là, từ rất sớm, bộ óc lớn ấy đã từng lóe sáng những suy tư về đổi mới như tôi đã nói ở trên. Chỉ có điều, từ những trăn trở trong suy nghĩ nhằm định hình những vấn đề thuộc về đường lối, đến việc vận dụng vào thực tế, có cả một khoảng cách rất xa….
Bài này vừa đăng lên thì hai hôm sau trên báo Sài Gòn Giải phóng ông Trần Trọng Tân đã lên tiếng bác bỏ trong một bài viết “đằng đằng sát khí”! Trong lập luận,Trần Trọng Tân dứt khoát khẳng định nhà nước của ta hiện nay, về thực chất vẫn thực hiện nội dung chuyên chính vô sản! Quả thật, không có ví dụ nào sáng tỏ hơn về cảnh báo “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá” (đây điều mà Engels đã mượn lời của Hegel khi bàn về biện chứng của sự phát triển). Thật là khủng khiếp của cái trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá! *
Nhưng cũng phải công bằng mà nói, về cuối đời, ông Trần Trọng Tân đã có nhiều chuyển biến đáng trân trọng trong tư duy. Những ý kiến mạnh mẽ và thẳng thắn của ông khi trao đổi về thời cuộc, những đóng góp đúng đắn của ông với đường lối, chính sách của Đảng đã có những tiếng vang trong công luận vốn đang mong chờ những tiếng nói phản biện mạnh mẽ nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hoá để hoá giải dần tệ độc đoán phản dân chủ, phản tiến bộ của những thế lực bảo thủ, giáo điều khiếp nhược trước áp lực của Trung Quốc đang cố vin vào người láng giềng “cùng chung ý thức hệ” được nhồi vào trong “16 chữ và bốn nguyên tắc lừa mị và bịp bợm để mong giữ được cái ghế quyền lực đang chao đảo.
Ấy vậy mà, đối với những vấn đề vốn được xem là “nguyên lý, nguyên tắc”, thì sức chuyển biến của tư duy của người từng là Trưởng ban Tư tưởng và Văn hoá của Đảng vẫn chưa đủ sức để vượt qua! Thế thì nói gì đến những đầu óc lú lẫn, xơ cứng sẽ là quá khó, nếu chưa muốn nói là không thể, tiếp nhận được chân lý của cuộc sống. Càng nguy hiểm hơn nữa khi những giáo điều tệ hại đã ngự trị trong não trạng của một số người do sự đưa đẩy của thời cuộc đã chiếm lĩnh được cái ghế quyền lực ở những cấp cao nhất, trở thành một quán tính chi phối cách tư duy và mọi hành động của họ đều bị dẫn dắt bởi “tính chuyên chế của tập quán.
Điều này thì cách đây gần hai trăm năm, khi phân tích về nền chuyên chế phương Đông, tác giả của cuốn sách mang ý nghĩa khai sáng Bàn về tự do đã chỉ ra: “Nền chuyên chế của tập quán đã hoàn tất triệt để. Đó là trường hợp của toàn thể phương Đông. Ở đó Tập quán là tiếng nói quyết định cuối cùng”. Jonh Stuart Mill cảnh báo: “Tính chuyên chế của tập quán ở mọi nơi là chướng ngại thường trực cản trở con người tiến lên phía trước, luôn không ngừng đối kháng với xu thế hướng tới cái gì đó tốt đẹp hơn thói thường, cái xu thế mà tùy theo tình hình vẫn được gọi là tinh thần tự do. Vì thế, cái đang ngự trị trong đời sống tinh thần của xã hội nhân danh “chủ nghĩa Mác-Lênin” chính là cái trạng thái suy đồi nhưng lại được tập quán thần thánh hoá chứ không là gì khác.
Dẫn ra những điều trên để nói lên một sự thật: Thực tiễn đã chứng minh quá rõ ràng và khắc nghiệt lý‎ do cần phải dứt khoát vứt bỏ cái “kim chỉ nam” đã dẫn dắt sự lựa chon mô hình sai. Bằng chứng hiển nhiên về sự sai lầm đó là sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và sự trì trệ, chậm phát triển của đất nước ta hiện vẫn đang là người chạy áp chót trong tiến trình phấn đấu đẩy tới quá trình hội nhập quốc tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ và yếu kém đó. Trước hết phải nói, đó là những sai lầm, yếu kém tích tụ suốt cả một thời gian dài. Trong đó sai lầm lớn nhất là sự xơ cứng về lý luận để cứ khăng khăng khẳng định con đường đã chọn là đúng đắn nhất! Đó là một hệ thống lý luận xa rời thực tế và đã bị thực tế vượt qua. Nhưng do chỉ quen với thói độc quyền tư tưởng và áp đặt tư duy, một dạng biểu hiện sự tha hoá của quyền lực, những người gánh trọng trách không tìm cách đổi mới hệ thống lý luận và quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội, họ bị đóng khung chết cứng trong những giáo điều đã học thuộc lòng để rồi bằng quyền lực cưỡng bức mọi người phải tuân phục sự áp đặt đó. Quả đúng là “sự ngạo mạn của quyền lực là kẻ thù lớn nhất của chân lý” như Einstein bộ óc lớn của mọi thời đại đã cảnh báo.
Chính vì thế mà những rao giảng của “những nhà lý luận” đang ngự trị trên ghế quyền lực hiện nay chỉ là bản sao nhàm chán của những giáo điều được học thuộc từ nửa cuối thế kỷ XX, trong lúc giới lý luận nói riêng và các nhà khoa học lớn của thế giới đã nghiêm khắc chỉ ra rằng “Khi khủng hoảng trở nên trầm trọng, những cách tư duy thông thường không còn đúng nữa: cái bạn cho là tốt thực ra là tệ hại, cái mà bạn tưởng là thận trọng thực ra lại đầy rủi ro, và sự khôn ngoan lại hóa ra là dại dột” (Paul Krugman, người được giải Nobel về kinh tế đã trình bày tại một Hội thảo ở Sài Gòn năm 2012).
Những đầu óc xơ cứng ấy không sao hiểu được rằng “Con đường cũ dừng ở đây. Thế giới đã thay đổi, và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp vớí một thế giới phi tuyến tính… những ai chần chừ, tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục đơn giản của quá khứ, sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại: sẽ đi đến đâu và bằng cách nào đi đến đó, khi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi”. Chính vì vậy người ta khẳng định rằng, trong thời đại của nền kinh tế tri thức và nền văn minh trí tuệ “chuẩn mực chính là sự thay đổi.
Xin trở lại với ý kiến Trần Phương: “Thế tôi hỏi ông là: bây giờ ông nói là nền tảng của ông là chủ nghĩa Mác – Lênin thì chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì đây nhỉ? …chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì, mà ông nói là nền tảng của ông?
Chúng ta đã trải qua 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội theo nguyên tắc mà ông Mác đưa ra, là gì? Chuyên chính vô sản về mặt chính quyền. Thứ hai về mặt kinh tế thì lấy chế độ công hữu làm nền tảng ấy để thu hẹp và xóa dần cái kinh tế tư nhân và thị trường tự do, rồi phân phối theo lao động, v.v. Nhưng mà bây giờ ông xem lại tất cả những nguyên tắc đó ông có làm không? Tôi nghĩ ông từ chối rồi còn gì nữa. Có phải không? Khi các ông đổi mới… cái thời kỳ mà ông xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 60 cho đến năm 80 là ông theo cái tư tưởng tả khuynh. Ông theo một cái tư tưởng giáo điều mà cái điều này là ông Mác sai, ông dự kiến là chủ nghĩa xã hội, với những đặc trưng đó thì dự kiến của ông Mác là sai. Ông Mác có nhiều cái dự kiến phải nói là thiên tài, nhưng riêng dự kiến là những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là ông Mác sai. Nhưng mà chúng ta không thừa nhận rằng ông ấy sai. Chúng ta cứ làm giả vờ như là ta vẫn theo ông Mác. Thì xin lỗi, ông giả vờ ông Mác thì ông đã thay đổi hành động của ông rồi”.
Nhân “tư tưởng tả khuynh” mà Trần Phương vừa đề cập, xin nói thêm đôi câu. Những người sính trích dẫn kinh điển hãy đọc lại cuốn Bệnh ấu trĩ tả khuynh của phong trào cộng sản của Lenin viết vào tháng 5.1918. Trong tác phẩm này, Lenin đã phê phán luận điệu “tả khuynh”, “ấu trĩ” mà ông cho là một “mớ hỗn độn cũ rích”, nếu “cứ giữ mãi sai lầm, đi sâu thêm để bào chữa cho nó, đưa nó đến chỗ tột cùng thì từ một sai lầm nhỏ, người ta luôn luôn có thể làm cho nó thành một sai lầm lớn ghê gớm”. Lenin phê phán sai lầm của phái “tả” trong nội bộ Đảng Bônsêvích Nga, tiếp đó, với sự ra đời của các Đảng Cộng sản, bệnh “tả khuynh” đã phát sinh trên phạm vi quốc tế trong quãng thời gian 5 năm trước khi tác phẩm này ra đời trước Đại hội II của Quốc tế Cộng sản. Khi đến Đại hội, mỗi đại biểu đã có trong tay tác phẩm này. Thế mà căn bệnh “tả khuynh” ở nước ta kéo dài đã 70 năm vẫn đang tác oai tác quái mà vẫn chưa được vạch trần một cách quyết liệt, cho dù trong bài viết “Đóng góp ý kiến vào lý luận và thực tiễn 20 năm Đổi mới” Võ Văn Kiệt đã vạch rõ: “Chính là xu hướng giáo điều tả khuynh vẫn tồn tại, muốn co kéo, kiềm chế những tiềm lực phát triển nhưng lại mang danh nghĩa bảo vệ Đảng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chống chệch hướng”.
Sự cảnh báo ấy chưa đủ để ngăn chặn thế lực bảo thủ, giáo điều vẫn cố tình “cứ giữ mãi sai lầm, đi sâu thêm để bào chữa cho nó”, “đưa nó đến chỗ tột cùng theo cách nói của Lênin, đã và đang gây nên thảm hoạ cho đất nước. Sự ngoan cố của cái trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá này diễn ra thiên hình vạn trạng, nhưng trắng trợn và dễ thấy nhất là khi cái thế lực này lại chiếm lĩnh được những cái ghế cao ngất ngưỡng của quyền lực để thực thi thủ đoạn của mình. Chỉ xin dẫn ra một ví dụ xoay quanh việc điều chỉnh và “phản điều chỉnh” Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh 1991), một thủ đoạn khôn khéo nhằm ngăn chặn những tư tưởng mới được thể hiện trong những luận điểm tiến bộ được đưa ra tại Đại hội X để minh hoạ cho những điều vừa trình bày.
Đây là Cương lĩnh đã được Đại hội VII thông qua nhưng đến Đại hội X đã có những điều chỉnh lớn tại Đại hội X. Chẳng hạn như về mục tiêu của xây dựng xã hội chủ nghĩa không phải là thực hiện chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, thay mệnh đề nhân dân lao động làm chủ bằng nhân dân làm chủ, tức là toàn dân làm chủ. Về Đảng thì trở lại quan điểm của đại hội II: Đảng là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của toàn dân tộc chứ không chỉ nói Đảng là Đảng của giai cấp công nhân nữa, việc đảng viên được làm kinh tế tư nhân cũng đã được khẳng định tại Đại hội. Như vậy là Đại hội X đã không khẳng định tính toàn vẹn của Cương lĩnh nữa mà đặt vấn đề sau Đại hội sẽ làm Cương lĩnh mới.
Thế nhưng đến Đại hội XI năm 2011 lại khẳng định mạnh mẽ Cương lĩnh 91. Có thể gọi đây là một bước “phản điều chỉnh”, đi ngược lại những điều chỉnh của Đại hội X. Nếu Đại hội X khẳng định tính không trọn vẹn của Cương lĩnh 91 và đặt vấn đề phải làm lại, thì đến Đại hội XI lại đưa ra đánh giá: từ Đại hội VII đến Đại hội XI (tức là khoảng 20 năm) là thời kỳ thực hiện Cương lĩnh 91 với những thành công có ý nghĩa lịch sử. Vậy thành công “có ý nghĩa lịch sử” đó là gì nếu không phải là làm chậm bước phát triển của đất nước, đặc biệt là với Hội nghị Thành Đô 1990, đẩy đất nước rơi vào quỹ đạo lệ thuộc vào Trung Quốc, điều mà Nguyễn Cơ Thạch đã từng cảnh báo về một thời “Bắc thuộc lần thứ hai”.
Những gì tồi tệ nhất cũng diễn ra trong gần năm năm qua của nhiệm kỳ Đại hội XI. Chính trong thời gian này, luận điệu “tả khuynh”, “ấu trĩ ” mà Lenin gọi là một “mớ hỗn độn cũ rích” như đã dẫn ra ở trên, lại được rao giảng một cách trơ trẽn và nhàm chán như thế nào thì nhiều người đã thấy rõ. Không chỉ rao giảng trong nước mà còn dại dột rao giảng tận bên kia bán cầu để rồi sau đó bị “cấm cửa”. Chuyện đáng buồn này không là sự bẽ mặt của một cá nhân “mình thế nào người ta mới mời chứ”, mà còn là một sự xúc phạm đối với thể diện quốc gia vốn chưa có tiền lệ trên lĩnh vực ngoại giao!
Những người đang làm cái việc nhàm chán đó không dám đọc hoặc đọc mà không hiểu nổi lời cảnh báo của chính K. Marx: “Làm sống lại những người đã chết là để ca ngợi những cuộc đấu tranh mới, chứ không phải để nhai lại những cuộc đấu tranh cũ, là để đề cao trong tưởng tượng một nhiệm vụ nhất định, chứ không phải để trốn tránh việc giải quyết nhiệm vụ ấy trong thực tế”. *
Họ phải khấn vái tụng niệm vì đúng như K. Marx đã vạch ra, là “để tự đánh lừa mình về cái nội dung của chính mình”. Vì thế, họ không chịu để cho “những người đã chết chôn cất những người chết của mình” vì họ không thể “làm sáng tỏ cho mình cái nội dung của chính mình”, họ không thể “tìm được thi hứng của mình ở tương lai chứ không phải ở quá khứ” nên phải “buộc cái bóng ma của nó phải lang thang một lần nữa”. Đúng là những người cứ phải tụng niệm những giáo điều mà có khi thật lòng họ cũng không tin, nhưng vì để “trốn tránh việc giải quyết những nhiệm vụ” mà nếu họ thực thi nhiệm vụ đó thì họ buộc phải từ bỏ cái ghế quyền lực của mình. Chính vì thế, họ không thể “làm sáng tỏ cho mình cái nội dung của chính mình”, họ phải tự lừa dối mình và lừa dối người khác, lừa dối cả xã hội.
Phải như vậy, vì thật xót xa và đau đớn như Nguyễn Khải viết: Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói. Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật…”.
Chẳng thế mà K. Marx đã phê phán một cách mỉa mai các sự biến lớn trong lịch sử đều xuất hiện có thể nói là hai lần, “lần đầu như một bi kịch và lần thứ hai như một trò hề”! Liệu có cần nói thêm rằng cái “trò hề” hiện đại mà người ta đang công diễn, cho dù có mượn y phục của người xưa để hiện lên trên sân khấu mới của lịch sử, cũng đã quá dai dẳng và lố bịch khi chính họ đã mất phương hướng, mất niềm tin về chính cái tín điều mà họ đang áp đặt cho toàn xã hội! Mất như thế nào thì chính người đang ngồi trên cái ghế cao nhất kia đã buột miệng nói ra như vậy, bàn dân thiên hạ đều biết cả, chắc chẳng cần nhắc lại ở đây.
Mất phương hướng về định hướng mục tiêu. Thế nhưng những tín điều được học thuộc lòng thì lại đã ăn sâu vào não trạng của người nắm quyền lực quyết duy trì quyền lực tuyệt đối đó khó mà rũ bỏ. Ấy vậy mà quyền lực lại có xu hướng tha hoá, quyền lực tuyệt đối thì sự tha hoá cũng tuyệt đối. Chế độ toàn trị phản dân chủ là nguyên nhân sâu xa cho cái chuyện “quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối” ấy. Tuy nhân danh Đảng, nhưng trên thực tế là nhân danh cho một nhóm người đang thao túng một Đảng đã biến dạng. Họ đang phản bội lại Đảng mà họ nhân danh, đúng hơn, đang phản bội lại Đảng của Hồ Chí Minh do sự tha hoá tuyệt đối đó của những người nắm quyền lực. Những người ấy đang cố kết lại thành một giai cấp mới như tên gọi của một cuốn sách do Milovan Dijlas một nhà lý luận cộng sản viết ra. Xin nói vài dòng về khái niệm này.
Vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, tác giả của Giai cấp mới, một tác phẩm viết trong tù bí mật gửi ra nước ngoài và được in ở New York năm 1957 từng phân tích rất rành mạch về “giai cấp mới” đó: “Đảng sinh ra giai cấp. Sau đó giai cấp tự phát triển bằng chính nguồn lực của mình và sử dụng đảng như là cơ sở… Ở đây, muốn trở thành chủ sở hữu hay đồng sở hữu thì cần phải len được vào hàng ngũ của bộ máy quan liêu chính trị”.
Milovan Dijlas chỉ ra rằng: “Giai cấp mới giống như một hình kim tự tháp: đáy to, càng lên trên càng hẹp dần. Để đi lên, chỉ ý chí không chưa đủ, còn cần phải hiểu và vận dụng lý luận nữa, cần phải quyết liệt trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, phải cực kỳ khôn khéo khi xảy ra các cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng, phải nắm được nghệ thuật, thậm chí tài năng trong việc củng cố vị trí cho giai cấp nữa.”
Vì thế, “cùng với việc củng cố giai cấp mới, khi bộ mặt của nó càng thể hiện rõ, thì vai trò của đảng cũng ngày càng giảm đi. Hạt nhân và cơ sở của giai cấp mới đã hình thành ở bên trong cũng như trên đỉnh quyền lực của đảng và của bộ máy nhà nước. Cái đảng từng có lúc là một tổ chức sinh động đầy sáng kiến, thì nay, đối với những người cầm đầu của giai cấp mới, đảng đã biến thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ của mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ muốn nhập vào hàng ngũ của giai cấp mới, và đẩy những người vẫn còn tin vào lý tưởng ra”.
Gần gũi hơn và cũng dễ chứng minh hơn là những phát biểu của Trần Độ năm 1974 về “một thế lực xã hội” “bao vây và xua đuổi những tâm hồn trung thực khi từ chiến trường ra lại Miền Bắc cũng có nội dung na ná như thế.
Ông viết: “Nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội và trong tất cả các tổ chức Đảng, trong bộ máy chính quyền… Điều đó ai cũng thấy. Thế nhưng vấn đề là tại sao nó lại chuyển biến chậm chạp. Sự biến chuyển chậm chạp này đã tạo ra một tình trạng giảm sút lòng tin trong cán bộ, đảng viên, trong nhân dân và đáng ngại nhất là trong thanh niên… Những hiện tượng tiêu cực của xã hội (và trong Đảng, trong chính quyên) làm vẩn đục sự trong sáng và đẹp đẽ của những lý tưởng, đầu độc những lòng say mê hăng hái có tính chất lãng mạn cách mạng, sống tiêu cực, tạo nên một thế lực xã hội bao vây và xua đuổi những tâm hồn trung thực … mọi người trung thực đều nóng lòng mong đó một cái gì đổi mới, chuyển biến gì mạnh mẽ…”.
Trung thực với chính mình, trung thực với cuộc sống, trung thực với lịch sử, chính cái đó tạo ra “hiện tượng Trần Độ”, ở đây “sức hấp dẫn vĩnh hằng đối với những chiến sĩ tranh đấu cho tự do và tiến bộ. Sức hấp dẫn mang tính nhân bản của những lý tưởng đó” bị chính sự dối trá lọc lừa của “quyền lực bị tha hóa” làm cho băng hoại. Bằng sự trải nghiệm của cả cuộc đời dấn thân trọn vẹn cho lý‎ tưởng nhân văn cao đẹp, Trần Độ tỉnh táo nhận ra sự băng hoại khủng khiếp đó.
Xin nhắc lại rằng Milovan Dijlas, vốn là Phó Tổng thống Liên bang Nam Tư dưới thời Joseph Tito, được giao trọng trách công tác tư tưởng với nhiệm vụ chứng minh cách hiểu chủ nghĩa cộng sản của Tito là đúng đã viết: “Tôi, một trí thức đã đi trọn con đường mà một đảng viên cộng sản có thể đi. Từ những chức vụ thấp nhất, từ các tổ chức cơ sở cho đến quốc gia và quốc tế, từ việc thành lập một đảng cộng sản chân chính, chuẩn bị cách mạng, đến việc tham gia xây dựng cái gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa. Không ai buộc tôi phải tham gia hay từ bỏ chủ nghĩa cộng sản cả. Tôi đã tự quyết, theo niềm tin của mình, một cách tự do… Càng rời xa chủ nghĩa cộng sản, tôi càng tiến gần đến lý tưởng của chủ nghĩa xã hội dân chủ…
Tư tưởng bình đẳng và bác ái tồn tại cũng lâu như chính loài người, được chủ nghĩa cộng sản ủng hộ trên lời nói, vốn mang trong mình nó sức hấp dẫn vĩnh hằng đối với những chiến sĩ tranh đấu cho tự do và tiến bộ. Sức hấp dẫn mang tính nhân bản của những lý tưởng đó đã làm cho việc phê phán chúng trở thành không chỉ phản động mà còn trống rỗng và vô nghĩa nữa”. Chính vì thế mà người trí thức “đã đi trọn con đường mà một đảng viên cộng sản có thể đi” ấy đã “tập trung mô tả đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản hiện đại… Tất cả chỉ là sản phẩm của thế giới mà tôi đang sống và đang phê phán. Tôi đã thấy và đã trình bày tất cả mà không ngượng ngùng khi thú nhận rằng mình đã là sản phẩm của nó, có lúc đã là người tham gia xây dựng nó và bây giờ là người phê phán nó”.*
Phải chăng đây là sự “phê phán nó” khi “” đã tự tha hóa, tự biến mình thành công cụ trong tay “giai cấp mới” với lợi ích của chính nó, củng cố chế độ toàn trị phản dân chủ, quay lưng lại với nhân dân?
Trong những bức thư Trần Độ gửi lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là bức thư viết vào cuối năm 1974 dưới bút danh Chín Vinh, cũng có bóng dáng của sự phê phán nói trên. Trần Độ cũng đã từng giữ trọng trách Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Văn hoá văn nghệ Trung ương cũng đã day dứt trong Nhật ký viết vào những năm cuối đời mà ông gọi “đây là một tấc lòng để tặng người đời và cuộc đời. Đây là những ý nghĩ nung nấu trong những tháng cuối năm Rồng và đầu năm Rắn, và cũng là những ý nghĩ nung nấu trước đó hàng chục năm và sẽ còn nung nấu tiếp đến cả khi sang thế giới bên kia. Đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách mạng, và của một kiếp người”.
Không giống như những kẻ bị K. Marx phê phán đã dẫn ra ở trên, Trần Độ không “tự đánh lừa mình về cái nội dung của chính mình”, ông quyết liệt và thẳng thắn đòi hỏi: “Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Đảng….
Chắc chắn rằng những điều nói trên không chỉ là đòi hỏi của Trần Độ, cũng như trong Đảng và trong nhân dân không chỉ có một Trần Độ. Không thiếu những bức xúc như của Trần Độ. Càng không thiếu những người âm thầm nung nấu những suy tư như Trần Độ. Một sức mạnh bung phá đang tiềm ẩn trong lòng xã hội, trong sự vận động tự thân của khối quần chúng nhẫn nại chịu đựng để tĩnh lặng nung nấu những khát vọng. Liệu có phải đó là khoảng tĩnh lặng trước cơn bão?
Chính vì vậy, phải sòng phẳng với cuộc sống, đừng “tự đánh lừa mình về cái nội dung của chính mình” nữa, không thể kiên định và “trung thành” theo kiểu “quay về những thế kỷ đã lụi tàn để ngắm một dãy dài những bóng ma” mà cần làm ngược lại: “phải đem hết sức mình tiến về phía tương lai, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó”. Phải đoạn tuyệt không mảy may thương tiếc cái trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá để mạnh dạn dấn bước khi mà một cơ may và vận hội mới đang đến với nhận thức sâu sắc rằng bỏ lỡ thời cơ là sự sai lầm tệ hại nhất mà rồi cái giả phải trả cho sự đánh mất thời cơ sẽ là qúa lớn. Đó chính là mệnh lệnh của cuộc sống, thể hiện ý chí của những đảng viên có lương tri, cũng là đòi hỏi bức xúc của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Hãy học tập thái độ dũng cảm, thực sự cầu thị, dám nhận sai lầm để kiên quyết sửa chữa sai lầm của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, viết lại Báo cáo Chính trị để dẫn đến bước đột phá của Đại hội VI, đưa đất nước thoát khỏi sụp đổ. Quá trình tiến tới Đại hội XII phải được chuẩn bị theo tinh thần đó thì mới đáp ứng được những bức xúc và ý nguyện của đông đảo đảng viên và nhân dân. Quá trình đó đang diễn ra trong một bối cảnh mới phức tạp hơn, nhưng đồng thời cánh cửa đã mở rộng cho những ai dám dấn thân vào “cuộc chiến đấu khổng lồ” nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi” theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. Trung thực và nghiêm chỉnh thực hiện “Điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc
Quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội XII cũng là quá trình người ta đang ra sức hô hào việc đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh”. Biết bao thời gian, công sức và tiền của đã trút vào công việc mà thực chất là một liều thuốc an thần cho một cơ thể đang lâm vào trọng bệnh nhưng lại không dám dùng những liều thuốc đặc trị. Không dám dùng, vì liều thuốc đặc trị ấy lại có tính công phạt đối với cái ghế quyền lực đã rệu rã mà người ta đang cố duy trì, kể cả việc vời đến các thầy Tàu sang chữa trị. Bởi vậy, thay vì nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh, người ta chỉ nói đến “đạo đức” và hô hào “làm theo”! Có lẽ vì người ta muốn chữa căn bệnh tham nhũng đã ăn vào tận “cao hoang” trong cơ thể chế độ xã hội chủ nghĩa đã được xây dựng gần một ba phần tư thế kỷ nay. Nhưng chỉ dùng thuốc an thần thì chỉ có thể đánh lừa được người nhẹ dạ cả tin, có khi lại làm bệnh càng thêm nặng. Thì chẳng thế sao khi càng chống thì tham nhũng lại càng phát triển, đâu phải chỉ tham vặt để được ví một cách ngô nghê là “khó chịu như ngứa ghẻ”! Chẳng cần thầy lang cao tay bắt mạch bốc thuốc. Bằng mắt thường cũng thấy chính cái cơ chế độc tài toàn trị phản dân chủ là nguồn gốc của tham nhũng. Không xoá bỏ cái cơ chế đó thì chẳng bao giờ trị được tham nhũng, trừ phi cố tình “mượn màu son phấn đánh lừa con đen”, lấy cớ chống tham nhũng để loại bỏ đối thủ chính trị.
Đây là ngón “võ Tàu” quen thuộc mà Tập Cận Bình, hậu duệ xuất sắc của Mao Đặng, đang truyền nghề cho những “đồng chí cùng chung ý thức hệ”. Mà thật ra, hành vi tham nhũng lớn nhất là tham nhũng quyền lực. Chuyện này thì vốn đã “xưa như trái đất”! Quyền gắn với lợighế đi đôi với tiềnquyền lực đẻ ra sở hữu, nguyên lý đó được đúc kết từ lâu. Max Weber, nhà xã hội học bậc thầy sống cùng thời với K. Marx, đã từng phân tích sâu sắc quy luật này trong những luận đề phê phán K. Marx.
Cho nên, chỉ riêng việc đưa ra một khẩu hiệu có ý nghĩa định hướng cho một phong trào được thực hiện rầm rộ trong suốt nhiều năm trời khi mà đất nước đang đối diện với biết bao những thách thức và vận hội đủ nói lên được cái tầm trí tuệ của một định hướng. Chưa nói đến chuyện K. Marx đã từng nói đến lúc nào thì người ta phải cầu viện đến đạo đức khi phê phán sự cổ vũ cho một quan điểm đạo đức đậm mùi tôn giáo của Feuerbach, một nhà triết học Đức thế kỷ XIX. Đó là một thứ đạo đức “được gọt giũa cho thích hợp với mọi thời kỳ, mọi dân tộc, mọi hoàn cảnh, và chính vì thế mà không bao giờ nó có thể đem áp dụng được ở đâu cả, cả đối với thế giới hiện thực” và thẳng thắn chỉ ra rằng ”đạo đức là sự bất lực đưa ra hành động”!
Dài dòng một chút về điều này vì hình như trong kiểu hô hào đạo đức của khẩu hiệu trên cũng có hơi hướng và bóng dáng của sự “bất lực” vừa nói. Và tiếp đó là sự hô hào làm theo. Trong giáo dục hiện đại người ta đã phê phán việc rèn cho trẻ con quen nếp “làm theo” người lớn mà không biết cái quyết định của việc hình thanh nhân cách là nuôi dưỡng và cổ vũ bản lĩnh tự khẳng định, biết tưởng tượng và sáng tạo. Trẻ con đã thế, vậy mà lại đưa ra một khẩu hiệu, bắt cả dân tộc phải làm theo, chỉ biết làm theo, thì không hiểu dân tộc ấy rồi sẽ thế nào?
Cách đây cả nghìn năm mà ông cha ta đã từng khuyên dạy: Nam nhi tự hữu xung thiên chí. Hưu hướng Như Lai hành xứ hành. Làm trai phải có chí xông trời thẳm, việc gì cứ phải lẽo đẽo lần theo vết chân của Phật tổ Như Lai. Nên nhớ đây là thơ của một nhà sư, tác giả của bài kệ “Hưu hướng Như Lai” (“Đừng đi theo vết chân Như Lai”). Xuất gia đi tu, thế mà lại bảo không cần phải dẫm theo đường mòn có sẵn, phải ngộ đạo theo cách của mình. Thật là đã chống giáo điều từ gốc!
Ấy vậy mà, chọn một liều thuốc an thần, do cái tầm hạn hẹp của tư duy và sự bất cập của trí tuệ, người ta cổ vũ cho một tính cách làm theo, không chỉ của một nhóm người, một cộng đồng người, mà là của cả một dân tộc ! Rõ ràng đây là một minh chứng tiêu biểu cho cái logic thông thường trong tư duy của người nắm quyền lực. Họ muốn phát huy tối đa quyền lực đó, muốn tất cả mọi người phải tuân theo cái gậy chỉ huy của mình. Đôi lúc cần thiết, họ chọn cách chìa ra củ cà rốt, cách mị dân khá quen thuộc. Nhưng dù cây gậy hay củ cà rốt, thì trong não trạng của kẻ nắm quyền lực là muốn biến tất cả những người họ đang cai trị thành đàn cừu! Họ không biết rằng, đã từng có một cảnh báo được đưa ra: “Một xã hội của loài cừu cuối cùng sẽ phải sinh ra một nhà nước của loài sói” (Bertrand de Jouvenel). Phải chăng là cái nhà nước toàn trị phản dân chủ này đang muốn biến cả dân tộc vốn có truyền thống bất khuất quật cường thành đàn cừu?
Nếu không phải thế thì tại sao cái đáng học tập và thực hiện nghiêm chỉnh và trung thực nhất, có ý nghĩa lớn lao nhất đối với sự tồn vong của cả dân tộc, thì người ta lại lờ đi? Đã thế lại sẵn sàng dùng giải pháp cả vú lấp miệng em nhằm bịt miệng những ý kiến phản biện về những sai lầm về lý luận và thực tiễn bằng luận điệu con đường Bác đã lựa chọn! Đã đến lúc phải nói rõ về điều này với Điều mong muốn cuối cùngtrong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn cái gì.
Theo Hồi ký của Vũ Kỳ “đó là buổi sáng thứ hai, mồng 10 tháng 5 năm 1965… đúng 9 giờ, Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu Tuyệt đối bí mật để dặn lại mãi mãi mai sau. Chọn đúng vào một ngày tháng Năm, nhân dịp ngày sinh của mình; chọn đúng vào lúc 9 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày; chọn đúng vào lúc sức khoẻ tốt nhất trong những năm gần đây để viết về ngày ra đi của mình, sao mà thanh thản, ung dung đến thế…Ngày 19/05/1969 “đúng 9 giờ, Bác ngồi vào bàn làm việc với bản di chúc trước mặt… tựa lưng vào thành ghế, thoải mái, ung dung, nét suy tư hiện lên vầng trán rộng. Hôm nay, Bác xem kỹ lại toàn bộ bản viết của mình trong bốn năm qua, cả phần chính và phần phụ lục, nhưng chỉ chữa thêm ba chữ ở phần mở đầu”. Bốn năm để viết có một nghìn chữ. Sau bốn năm xem lại lần cuối cũng chỉ sửa có ba từ.
Một sự dồn nén, chưng cất của ý tưởng và tình cảm đạt tới độ minh triết của một tầm vóc tư duy không còn bị ràng buộc và câu nệ bởi bất cứ cái gì: thời gian thúc bách hay không gian hạn hẹp. Vì thế, chúng ta có quyền tin chắc vào độ “chín”, đạt đến sự tường minh của tư tưởng trình bày trong Di chúc. Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết Di chúc, 10/05/1965, thời gian đã tạo ra một độ lùi cần thiết để cho sự kiện đủ sức trở thành ấn tượng lịch sử. Mà lịch sử là cái đã xảy ra, không ai có quyền thêm bớt lịch sử, song ai cũng có quyền cảm nhận về lịch sử tuỳ theo trình độ nhận thức và chỗ đứng của mỗi người.
Hồ Chí Minh có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống của con người, có nhận thức sâu về vận mệnh dân tộc, về hướng đi của thời đại” (Phạm Văn Đồng). Sự “nhạy cảm đặc biệt”, sự “thấu hiểu”, sự “nhận thức” đó đã tạo nên tầm nhìn lãnh tụ, tạo nên bản lĩnh và cốt cách Hồ Chí Minh, hình thành nên Tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi biết rằng, cuối cùng rồi mình cũng phải thực hiện cái quy luật khắc nghiệt của cuộc sống, Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là căn dặn Đảng phải làm gì cho nhân dân mình, đất nước mình, dân tộc mình, đó cũng là “muôn vàn tình thân yêu” để lại cuộc đời này. Lời căn dặn ấy, rốt cuộc được dồn nén lại trong “Điều mong muốn cuối cùng của tôi làToàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Trong “điều mong muốn cuối cùng”, Hồ Chí Minh không hề nói đến Chủ nghĩa xã hội!
Nhìn trở lại hành trình lịch sử của Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước, cho đến khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho đến Di chúc của Người sẽ hiểu ra điều đó. Độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu trước sau như một của Hồ Chí Minh. “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Cho đến “lúc cuối”, trong toàn bộ Di chúc của Hồ Chí Minh đã thể hiện nhất quán “chủ nghĩa yêu nước” đó, tập trung trong “điều mong muốn cuối cùng” và cũng là câu cuối cùng, câu quan trọng nhất trong Di chúc.
Nên lưu ý rằng, từ sau ngày 10/05/1995 bắt đầu viết Di chúc, “mỗi năm lại dành thời gian xem lại, sửa chữa và bổ sung, tất cả chỉ trên 1000 từ với biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách” (Phạm Văn Đồng). Như vậy rõ ràng là Hồ Chí Minh viết “Di chúc” trong một tâm thế bình tĩnh, ung dung để có thể đắn đo cân nhắc từng chữ từng câu, từng ý. Hoàn toàn không thể có chuyện vội vã nên quên ý này, ý khác, nhầm lẫn hoặc bỏ sót từ này, chữ kia. Mà ngược lại, mỗi ý, mỗi câu, mỗi chữ, mỗi dấu phẩy, dấu chấm đều được cân nhắc rất kỹ, sửa đi, sửa lại nhiều lần. Vậy tại sao Hồ Chí Minh không nhắc đến mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trong “tài liệu tuyệt mật” và hết sức quan trọng này?
Phải chăng, với Hồ Chí Minh, mục tiêu dễ hiểu nhất, cụ thể nhất là “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” được đọng lại trong câu kết của bản Di chúc!
Bằng sự từng trải và chiêm nghiệm của một người mà trọn cuộc đời dành hết cho việc tìm đường cứu nước, toàn bộ trí tuệ và tâm huyết cũng như bản lĩnh và kinh nghiệm của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, một nhà văn hoá uyên bác đã từng dồn hết cho công cuộc chèo lái con thuyền cách mạng qua biết bao phong ba, bão táp, thác ghềnh đến được cận kề với mục tiêu, vào lúc tĩnh tâm nhất để có thể đạt tới sự minh triết, Hồ Chí Minh đã hiểu rõ dân tộc mình, nhân dân mình cần cái gì.
Nói lên điều này thì tất cả mọi người Việt Nam vốn nặng lòng vì đất nước, quê hương cùng có chung nguồn cội, cho dù đang ở đâu, làm gì cũng đều hiểu, đều tán thành. Đây là sức hút quy tụ mọi tấm lòng Việt Nam yêu nước mà Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở. Đây cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy và phát huy tính đồng thuận xã hội, nền tảng của đại đoàn kết dân tộc. Phải bằng cách hiểu đó, chúng ta mới tiếp cận được với điều mà Hồ Chí Minh muốn gửi gắm lúc sắp ra đi.
Đây không thể là một suy đoán cảm tính chủ quan, mà thật sự là một câu hỏi rất nghiêm túc cần đặt ra để suy nghĩ và tìm lời giải đáp. Một cán bộ lão thành có cho biết là trong một hội nghị những người cao tuổi nhắc lại những hồi ức về Bác Hồ, có cả ông Hoàng Tùng dự, một người kể lại: khi Bác đã rất mệt, có một cán bộ lãnh đạo cao cấp đã được biết về Di chúc đã hỏi Bác: “Khi viết di chúc, Bác đã quên không viết về xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Bác có trả lời: “Chú nhầm, Bác không quên, chủ nghĩa xã hội của Liên Xô và Trung Quốc nhiều vấn đề lắm. Bác không quên, không nhầm, các chú nhầm” (theo Đào Xuân Sâm). Đừng quên là Hồ Chí Minh đã từng nói rõ: “Trong lúc cần toàn dân đoàn kết mà chủ trương giai cấp đấu tranh là một điều ngu ngốc”. *
Cần phải thấy rằng, sự gặp gỡ giữa lý tưởng “ái quốc” và lý tưởng “cộng sản” trong tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ của lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Hơn nữa, lại càng phải chú ý, trong tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh, giải phóng con người là trung tâm. Nhìn lại nhân cách, tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rất rõ một luận đề: mục tiêu, cứu cánh, phương tiện và động lực cách mạng đều ở trong con người. Chính ở đây, chủ nghĩa yêu nước trong Hồ Chí Minh bắt gặp lý tưởng cộng sản, nội dung của lý tưởng đó thể hiện tập trung ở tư tưởng “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”, đó là tư tưởng của K. Marx trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
Có thể nói, tư tưởng này là sự hội tụ của những khát vọng của con người, của loài người trong suốt chiều dài của lịch sử, từ khi con người có tư tưởng, biết tư duy, biết đau khổ và hy vọng. Vì thế, “Người Yêu Nước” ấy biết phải làm gì trên từng chặng của con đường vạn dặm nhằm thực hiện khát vọng của loài người mà trước K. Marx, rồi cả sau K. Marx, đã từng có bao nhiêu trái tim lớn, khối óc lớn mơ ước và đều đang mày mò tìm con đường thực hiện. Cái đích còn ở chân trời phía trước.
Trong sự bay bổng của lý tưởng và khát vọng, không sao tránh khỏi những không tưởng. Biết như vậy để phải bám chắc vào thực tiễn của đất nước mình, nhân dân mình mà dấn bước trên con đường chưa hề có bản đồ, trong một thế giới đầy biến động không sao dự đoán hết được. Bằng chính cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh hiểu rõ điều đó, và rồi chúng ta nhận ra tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh, nhận ra “điều mong muốn cuối cùng” của “Người Yêu Nước” ấy.
Hồ Chí Minh đứng vượt hẳn lên những người đương thời ở tầm tư duy và cái nhìn biện chứng nhờ vào sự uyên bác của một nhà văn hoá và sự từng trải của một nhà cách mạng chuyên nghiệp đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, hiểu rõ ngọn ngành những tinh hoa cũng như những khuyết tật mà phong trào cách mạng đã trải qua, để khi về đến Tổ quốc, nắm trong tay mảnh đất quê hương đang đói nghèo, đau khổ, nước mất, nhà tan, Hồ Chí Minh hiểu rõ cần phải làm gì.
Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh đã dẫn ra những câu bất hủ của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1971. Nên nhớ rằng, Hồ Chí Minh đã yêu cầu các phi công Mỹ thả dù xuống chiến khu Việt Bắc một nguyên bản của văn kiện lịch sử này vào thời điểm cận kề khởi nghĩa Tháng 8/1945. Đơn vị “Con Nai” của OSS đã thực thi sứ mệnh độc đáo đó! Và có lẽ cũng nên nói thêm rằng, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ hai bức thư Hồ Chí Minh viết bằng tiếng Anh ngày 18.8.1945 gửi cho hai người bạn Mỹ trong cơ quan tình báo O.S.S để cảm ơn sự giúp đỡ của Đồng Minh và ngỏ ý tiếc họ đã rời Việt Nam quá nhanh.
Bằng những trải nghiệm của một người đi tìm đường cứu nước, từng bôn ba khắp năm châu bốn biển, trước khi hôn lên nắm đất quê hương ngày trở về Hồ Chí Minh đã từng nhiều năm sống trên đất Liên Xô, Trung Quốc, vì sao lại mở đầu tác phẩm mà Võ Nguyên Giáp viết “như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người” ?
Chỉ có thể giải thích rằng, với tác giả của Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, những lời trích dẫn ấy chính là những dòng ánh sáng kết tinh trí tuệ của cả loài người chứ không chỉ của riêng một quốc gia, dân tộc nào. Phải chăng đó chính là ánh sáng tỉnh thức? Chính “ánh sáng tỉnh thức” ấy đã soi rọi con đường dẫn đến Cách mạng Tháng Tám 1945, cũng là định hướng cho mục tiêu phấn đấu của dân tộc ta ngay từ buổi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và ngay từ buổi ấy, Hồ Chí Minh đã hiểu rõ muốn trường tồn và phát triển, đất nước này, dân tộc này phải đứng vào trong quỹ đạo phát triển của thời đại, phải biết tiếp nhận nguồn sức mạnh của thời đại đến từ đâu.Những bước đi oái oăm của lịch sử đã khiến cho trong những bước gập ghềnh của sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong nửa sau của thế kỷ XX, có lúc ánh sáng tỉnh thức đó bị lu mờ đi, nhưng trong sâu thẳm tâm thức của Hồ Chí Minh, ánh sáng đó vẫn chiếu rọi để rồi được biểu hiện ra trong câu cuối cùng của Di chúc về điều mong muốn cuối cùng.
Giải đáp một cách đầy đủ và trung thực điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn, tạo ra một bước phát triển mới của sự đồng thuận xã hội trong giai đoạn cách mạng hiện nay của nhân dân ta. Chẳng phải chỉ chúng ta hiểu điều đó, thế giới cũng quan tâm làm sáng tỏ vấn đề mang tầm vóc của một nhân vật đã đi vào lịch sử. Gần đây, một cuốn sách đã được giới thiệu tại Paris với nhan đề “Le Monde/Histoire – Hồ Chí Minh La Figure de l’Indépendance retrouvée du Vietnam” (Hồ Chí Minh – Gương mặt của nền Độc lập được xác lập ở Việt Nam). Đây là tập sách nằm trong hệ ấn phẩm có nhan đề “ils ont changé le monde" (Họ làm thay đổi thế giới) bao gồm các nhà hoạt động chính trị nổi tiếng trên thế giới. Sách tập hợp những bài viết có liên quan đến Hồ Chí Minh từng được đăng trên báo Le Monde xuất bản ở Paris từ 1946 đến 2005.
Phải chăng nhan đề của cuốn sách cũng đã gợi đến điều mong muốn cuối cùng của Hồ Chí Minh mà chúng ta đang suy ngẫm? Xin được dẫn ra câu Hồ Chí Minh trả lời nhà báo André Blanchet, đặc phái viên của báo Le Monde tại Hà Nội vào tháng 2.1946 được giới thiệu trong cuốn sách đó: “Chúng tôi muốn gì ư? Cũng một điều như ông: điều mà ông mong muốn cho đất nước ông, đó là độc lập…”. Và André Blanchet kết thúc bài báo của mình: “Bóng tối gần như phủ kín căn phòng rộng, tôi chỉ còn nhìn thấy chòm râu thưa và đôi mắt sáng ngời của người đối thoại… Nếu như có chiến tranh, hãy quay trở lại gặp tôi. Chúng ta vẫn sẽ là những người bạn. Ông chia tay tôi như vậy .
Bỗng nhớ lại lời của Hồ Chí Minh căn dặn Võ Nguyên Giáp giữa rừng Việt Bắc ở vào thời khắc quyết định vận mệnh của cả dân tộc. Đại tướng viết trong Hồi ký: “Bác lúc ấy chắc cũng thấy mình yếu quá, có ý dặn lại công việc”. Bác dặn gì? “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Ý chí ấy, tầm nhìn ấy trước sau như một chiếm lĩnh trái tim, khối óc của “Người Yêu Nước – Hồ Chí Minh” để rồi đọng lại trong “điều mong muốn cuối cùng” di chúc lại cho nhân dân mình. Ở đấy thể hiện tập trung nhất mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh và đấy mới chính là điều Hồ Chí Minh đã chọn.
Chính vì thế, quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội XII phải là quá trình quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong tư tưởng lý luận cũng như trong hành động thực tế quyết tâm thực hiện “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc. Đương nhiên, trong diễn biến của tình hình hiện nay, thực hiện điều đó không dễ.
Đây sẽ là một “cuộc chiến đấu khổng lồ” nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi”. Dự liệu được khó khăn của cuộc chiến đấu đó, Hồ Chí Minh đã căn dặn phải “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Từ những vấn đề cơ bản đã trình bày, tôi kiến nghị với Đảng: quá trình tiến tới Đại hội lần thứ XII phải là quá trình chuẩn bị một cách quyết liệt để Đại hội ra Nghị quyết về ba vấn đề sau đây:
Từng bước từ bỏ mô hình Xã hội Chủ nghĩa, nghiêm túc và mạnh dạn tiếp thu những thành công của mô hình xã hội dân chủ ở các nước Bắc Âu để vận dụng vào việc định hình một thể chế dân chủ phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.
Dứt khoát loại bỏ cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng lý luận để định hướng mục tiêu, đề ra chủ trương đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước.
Quyết tâm thực hiện bằng được điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Muốn thế, cần trở lại với tên nước là Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trở lại với tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam, trở lại với những nội dung cơ bản của Hiến pháp 1946 để xây dựng Hiến pháp mới thể hiện được khát vọng và ý chí của cả dân tộc, đẩy tới tiến trình dân chủ hoá nhằm thực hiện quyền làm chủ đích thực của nhân dân, dựa vào dân để đổi mới Đảng phù hợp với quy luật phát triển trong thời đại của nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức thế kỷ XXI.
TP Hồ Chí Minh ngày 11.6.2015
Viết để tưởng nhớ đến Võ Văn Kiệt nhân 7 năm ngày mất của ông, người cộng sản chân chính, noi gương khí phách của ông, sự trung thực và quyết liệt của ông trong cuộc đấu tranh nhằm đẩy tới quá trình dân chủ hoá trong việc chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng.
T. L.
_______________
Chú thích:
* Đây là bản tham luận không được trình bày. Mặc dầu khi nhận được thư mời của ông Tô Huy Rứa, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi đã từ chối vì biết rằng khó có thể trình bày thẳng thắn ý kiến của mình, cho dù đây là “một hội thảo khoa học”! Tuy nhiên, nhiều tháng sau, năm ngày trước khi khai mạc Hội thảo “khoa học” đó, tôi lại nhận được thư mời của ông Hoàng Chí Bảo, hình như là người chịu trách nhiệm trong Ban Tổ chức Hội thảo giục gửi tham luận, từ chối nữa thì không tiện, tôi đã tạm gạt bỏ những công việc đang làm để kịp viết gửi đến Hội thảo ngày 6.4.2009. Và rồi chiều ngày 8.4.2009 tôi nhận được điện thoại của Ban Tổ chức Hội thảo khuyên là tôi “không nên đến vì không tiện” cho tôi. Tôi có gửi mấy câu chất vấn nhưng không hề nhận được trả lời.
Nay tôi in tham luận đó trong cuốn sách Cảm nhận và suy tư vừa ra mắt bạn đọc đầu tháng 6 này. Những đoạn có dấu * là trích từ cuốn sách này, lần lượt tại các trang 23, 31, 30, 323, 350, 148, 232. Tại các trang ấy đã có xuất xứ của những ý, những đoạn trích buộc phải dẫn ra trong bản “Góp ý” này để tiện cho những người làm công tác lý luận tiện xem xét, thẩm định. Vì vậy bài viết hơi nặng nề, mong được thông cảm. TL
-----------
**Kiến nghị này tôi đã trình bày trong Tiểu luận có nhân đề “CHÂN LÝ LÀ CỤ THỂ” hoàn thành cách đây 10 năm vào dịp 19.8.2005 gửi những người có trách nhiệm : một số Uỷ viên Bộ Chính trị, Hội đồng Lý luận TƯ [qua Tổng biên tập báo Đại Đoàn kết với tư cách là Uỷ viên UBTU7MTTQVN] và một số nhà Nghiên cứu tôi quen biết.  Anh Sáu Dân đã dành 1 buổi trao đổi kỹ và yêu cầu tôi chỉnh sửa đôi chỗ để đưa in nhưng làm sao in được. Ngày 27.9.2006, tôi nhận được sự động viêncủa Đại tướng Võ Nguyên Giáp  qua một câu đề tặng trang đầu Tổng tập Hồi ký của Đại tướng tặng tôi : “Chúc đồng chí Tương Lai có những đóng góp mới vào lý luận của Đảng” [xem “Cảm nhận và Suy tư” trang 119]. Báo Đại Đoàn Kết thời Lý Tiến Dũng làm TBT có trích đăng một chương trên Tuần San Đại Đoàn Kết vào dịp ấy. GS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại doc Kinh tế TPHCM có in mấy chục cuốn [ 102 trang khổ giấy  A4] để gửi một số bạn bè thân quen. Nay tôi nhắc lại những kiến nghị đó trong bản “GÓP Ý” này.

Category: , ,

0 comments