Dành cho quảng cáo
liên hệ: groupviet@gmail.com

Đánh giá chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Admin | 8:31 AM | 0 comments

Lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam tuần này thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ giữa bối cảnh quan hệ giữa hai nước cựu thù đang thăng tiến trước mối đe dọa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Họp báo sau cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc trưa 7/7, Tổng thống Barack Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết trọng tâm thảo luận ngoài việc bàn về việc nâng cao mối quan hệ và tăng cường hợp tác giữa hai nước, đôi bên cũng bàn về việc duy trì an ninh Biển Đông.

Việt Nam có thể kỳ vọng gì từ chuyến đi của ông Trọng? Liệu sự kiện bước ngoặt này có thể thu hẹp những bất đồng và tăng cường lòng tin giữa hai nước Việt-Mỹ?Trục quan hệ Việt-Mỹ-Trung sẽ như thế nào sau chuyến công du?

Mời quý vị theo dõi cuộc hội luận giữa Trà Mi VOA Việt ngữ với 3 nhà quan sát và phân tích chính trị được nhiều người biết là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng từ Việt Nam, và luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada.

TS Nguyễn Quang A: Tôi không hy vọng quá nhiều vào chuyến đi này, nhưng dẫu sao chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng cũng làm cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiến lên một bước mới.

TS Dũng: Chắc chắn chuyến đi này nhằm dựa vào người Mỹ để trở thành một đối trọng ít nhất về mặt quân sự đối với người Trung Quốc. Tôi kỳ vọng chuyến đi của ông Trọng kỳ này có thể tạo ra một độ mở khoảng 20% về một thỏa ước liên minh quân sự, một độ bền tương đối về vấn đề TPP, và kéo theo một kết quả không đến nỗi quá tệ về nhân quyền Việt Nam. Riêng về nhân quyền, tôi cho rằng độ mở chỉ khoảng 10% mà thôi.

LS Khanh: Chúng ta nên xét bối cảnh chuyến đi, ai mời, mời trong điều kiện nào. Chúng ta biết gần 2 năm nay, Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ mời phía đảng cộng sản Việt Nam sang Mỹ. Tới giờ phút chót, chính phủ Việt Nam vẫn nói chính phủ Mỹ mời ông Trọng, nhưng tất cả các văn kiện từ phía Mỹ chỉ nói đây là chuyến thăm của ông Trọng tới Hoa Kỳ mà thôi. Cách Hoa Kỳ tiếp đón ông Trọng cũng như cách tiếp đón ông Trương Tấn Sang năm 2013 cho thấy mối quan hệ Việt-Mỹ vẫn chưa đạt được mức mà hai bên mong muốn. Thông điệp mà Mỹ muốn nói với thế giới là Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi từ thù đến bạn và mối quan hệ này sẽ là nền tảng cho chiến lược tái cân cân bằng của Mỹ ở Châu Á.

VOA: Ngoài chuyến đi của ông Trọng, Mỹ còn để Việt Nam vào nhóm thương lượng TPP và nới lỏng một phần cấm vận võ khí giữa tình hình Biển Đông. Các động thái này chứng tỏ Hoa Kỳ đã sẵn sàng tiến sâu trong mối quan hệ với Việt Nam hay mới chỉ ở mức ‘ve vãn’ tùy tình hình Biển Đông và quyền lợi của Washington được mở rộng ra sao?

TS Nguyễn Quang A: Thời gian gần đây, quan hệ Việt-Mỹ đã trở nên nồng ấm một cách rất đặc biệt. Tôi nghĩ ở đây không phải là sự ve vãn mà là lợi ích của hai nước gặp nhau nên mối quan hệ này nồng ấm lên.

VOA: Cách đây 20 năm, hai nước xích lại gần nhau vì lợi ích kinh tế. Thời điểm này, đôi bên tiến tới nhau vì lợi ích an ninh và quân sự. Với những lợi ích thay đổi như thế, liệu có thể kỳ vọng bang giao song phương có thể tiến xa lên mức thắm thiết hơn?

TS Nguyễn Quang A: Mối quan hệ đối tác toàn diện theo cách gọi bây giờ, nếu dấn lên một bước nữa về an ninh và quân sự thì có thể nói sẽ có mối quan hệ ‘chiến lược’ tuy người ta không dùng từ đó. Và như thế khá là thắm thiết, không còn ở mức thăm dò.

VOA: Người ta vẫn còn tránh dùng từ ‘chiến lược’ vì giữa đôi bên còn nhiều bất đồng và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Bản thân ông Trọng trước chuyến đi cho biết kỳ vọng sẽ thu hẹp được những bất đồng đó. Giữa lúc Mỹ còn e ngại với một quốc gia cộng sản như Việt Nam và Hà Nội còn e ngại Washington ‘diễn biến hòa bình’, liệu việc ‘thu hẹp bất đồng’ có diễn ra sau chuyến đi này chăng?

TS Dũng: Thời điểm này quan trọng nhất là cân bằng lợi ích giữa Việt Nam với Hoa Kỳ ở Biển Đông: đảm bảo an ninh hàng hải cho Mỹ và bảo đảm chủ quyền của Việt Nam trước mối xâm lăng, đe dọa thường xuyên và lộ liễu của Trung Quốc. Đó là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình làm việc giữa ông Trọng và ông Obama. Tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thốt lên rằng chủ quyền Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng, chứng tỏ Bộ Chính trị Việt Nam có lẽ đã có sự xoay chuyển về nhận thức đối với Trung Quốc để sau đó thỏa ước liên minh quân sự Việt-Mỹ được ký giữa hai Bộ Quốc phòng nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ashton. Điều đó mở đường cho kết luận về cuộc gặp giữa Nguyễn Phú Trọng với Obama rằng giữa hai nước có một thỏa ước liên minh quân sự được cụ thể hóa. Tiếp theo mới nói tới chuyện TPP và một số cam kết nhân quyền của Việt Nam sẽ một phần nào được thực hiện, không loại trừ khả năng về công đoàn độc lập.

VOA: Theo luật sư Khanh, chuyến đi này đóng vai trò thế nào trong việc ‘củng cố lòng tin’ Việt-Mỹ?

LS Khanh: Tôi tin chắc ông Trọng sẽ mang về Hà Nội một thông điệp rất vui về TPP vì nếu Mỹ không muốn Việt Nam có mặt trong TPP thì ngay từ đầu đã không mời. Tới nay, gần như Việt Nam được đặc cách vào với một số điều kiện phải chấp nhận thay đổi. Mỹ muốn dùng TPP để chuyển đổi thể chế chính trị ở Việt Nam bằng các điều khoản liên quan tới quyền lập hội. Một vấn đề quan trọng nữa mà tôi nghĩ ông Trọng sẽ đạt được là hợp tác quốc phòng giữa Việt-Mỹ. Hoa Kỳ sẽ nới lỏng hơn nữa cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam và có những hợp tác lớn với Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là sự tiếp cận của hải quân Mỹ ở Vịnh Cam Ranh. Nhân quyền là điều kiện tiên quyết trong mối quan hệ Việt-Mỹ, mọi sự tiến triển tốt đẹp hay nồng ấm thế nào tùy vào thái độ của chính phủ Việt Nam . Tôi kỳ vọng TPP và sự hợp tác quân sự, chính trị, ngoại giao Việt-Mỹ sẽ thúc đẩy được một lực lượng dân chủ ngày càng lớn mạnh tại Việt Nam.

VOA: Giữa những liên hệ kinh tế-quân sự lâu nay với Trung Quốc và các lợi ích về kinh tế và bảo đảm an ninh từ Hoa Kỳ, Việt Nam có thể cân bằng được hay không hoặc họ phải chọn một trong hai?

TS Nguyễn Quang A: Việt Nam sẽ không ngã theo một bên nào cả mà sẽ phải tự lực của mình là chính, tìm các lợi ích tương đồng với các bên. Việt Nam vẫn phải có một mối quan hệ tốt với Trung Quốc, khó có thể khác được.

VOA: Phải cân bằng, nhưng có cân bằng được hay không? Việt Nam với Mỹ không đủ gần để được Mỹ ‘bảo kê’ và với Trung Quốc thì không đủ xa để tránh sự khống chế của Bắc Kinh. Làm thế nào để cân bằng?

TS Nguyễn Quang A: Các mối quan hệ tay 3, 4, 5 có thể thành một cái mạng lại với nhau, kìm chế lẫn nhau và lúc đó Việt Nam có thể tạo được một không gian cho mình cân bằng trong một tổng thể. Như thế Việt Nam mới tồn tại được , chứ thiêng về bên nào sẽ rất khó. Tôi không lạc quan lắm và cũng không nghĩ chuyến đi của ông Trọng sẽ mang lại sự đột phá gì, nhưng tôi nghĩ quan hệ Việt-Mỹ chắc chắn được cải thiện qua chuyến đi này.

VOA: Trục quan hệ Việt-Mỹ-Trung có sự dịch chuyển nào đang trông thấy hay không và đang theo xu hướng nào?

TS Dũng: Có hai vấn đề: cân bằng và ngã theo ai. Theo tôi, khái niệm cân bằng là một khái niệm hết sức xa xỉ đối với giới chính khách Việt Nam. Đó chỉ là khái niệm thời thượng về mặt chính trị mà thôi. Việt Nam chưa đủ lực để có thể cân bằng với bất kỳ ai. Vì thế, trong mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ đóng vai trò một con tốt nhỏ nhoi, tội nghiệp trên bàn cờ chính trị thế giới. Cho nên, tôi muốn phủ nhận khái niệm cân bằng. Đã bắt đầu có xu thế dịch chuyển từ tháng 7/2013 khi ông Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Obama, tức là ngã dần về phía Hoa Kỳ và phương Tây vì mối đe dọa từ Trung Quốc hiển hiện mồn một. Đó là nỗi sợ đau đáu của Bộ Chính trị Hà Nội mà tới nay, họ đã quyết định phải tìm một bàn tay cứu vớt. Xu thế này có hai giai đoạn. Thứ nhất từ đây tới đại hội 12 khi ê-kíp của ông Trọng còn tại vị. Giai đoạn hai là những người nối tiếp. Cùng với mối nguy ngày càng tăng từ Trung Quốc, thế hệ chính trị sau ông Trọng sẽ phải tự biết quyết định làm gì.

VOA: Sự ‘từ từ dịch chuyển’ về phía Mỹ đó có thể hiểu là Việt Nam đang cố gắng tiếp cận với Hoa Kỳ để mở rộng sự lựa chọn cho mình?
TS Dũng: Việt Nam luôn tuyên bố không liên minh với nước nào chống lại nước nào, tất nhiên đó chỉ là một khẩu ngữ mà thôi. Tôi cho rằng tới lúc nào đó, Việt Nam không có quyền lựa chọn nữa. Ngay thời điểm này Việt Nam cũng không có quyền lựa chọn nữa, khi mà Bộ Chính trị đã phải quyết định mang 2 ủy viên trong Bộ Chính trị đi Mỹ. Mọi chuyện sắp tới có thể diễn tiến nhanh hơn, nhưng tùy thái độ-hành động của Trung Quốc và tương quan thế-lực giữa các lực lượng trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam.

VOA: Những bước tiến dần dần tới gần Hoa Kỳ có an toàn cho Việt Nam tại thời điểm này trước sức mạnh nguy hiểm của Trung Quốc? Trung Quốc đối với Mỹ cũng có vai trò rất quan trọng, nhất là về mặt thương mại, và cũng không có chuyện Mỹ sẽ can thiệp nếu xảy ra tình huống đối đầu Việt-Trung trên Biển Đông.

TS Dũng: Việc ông Trọng đi phương Tây phải chấp nhận mức độ rủi ro vì đây là một thách thức trực tiếp đối với Tập Cận Bình. Nếu chính khách Việt Nam quá lo sợ rủi ro thì không có gì bảo đảm cho dân tộc, đảng , và cá nhân họ.

VOA: Việt Nam với vị trí địa lý chiến lược quan trọng đã trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các cường quốc. Làm thế nào để tránh biến thành một quân cờ của các cường quốc, ý kiến luật sư Khanh ra sao?

LS Khanh: Việt Nam và Mỹ không phải ở mức chạm ngõ . Sự hiện diện của ông Trọng ở Tòa Bạch Ốc hôm nay coi như là sự kiện chính thức long trọng cho cuộc hôn nhân Việt-Mỹ. Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng. Chúng ta không thể chọn láng giềng, mà cần phải sống chung với láng giềng. Nhưng bạn thì chúng ta có quyền chọn. Để cân bằng với Trung Quốc hay Hoa Kỳ được, Việt Nam chỉ có con đường đa phương hóa. Việt Nam phải liên kết với Nhật, Úc, Tân Tây Lan. Nếu có một cuộc chiến trong khu vực mà Nhật ủng hộ Việt Nam thì Mỹ không thể nào đứng một bên. Giữa hai nước Việt-Mỹ, tôi không nghĩ có thể có một liên minh trong tương lai gần. Vấn đề đó đòi hỏi những sự cải cách sâu rộng, mở rộng không gian chính trị và nhân quyền tại Việt Nam.

VOA: Là công dân Việt Nam, Tiến sĩ Dũng kỳ vọng nhìn thấy gì từ sách lược ngoại giao của Hà Nội trong mối quan hệ Việt-Mỹ-Trung?

TS Dũng: Tôi mong muốn Bộ Chính trị Hà Nội hiểu được là họ đang ở thế cực kỳ khó khăn rằng họ đang đứng giữa hai dòng nước. Như triết lý, không ai có thể đứng được giữa hai dòng nước. Chế độ chính trị Việt Nam sẽ phải lựa chọn một trong hai. Không thể bắt cá hai tay. Về kinh tế, Việt Nam mỗi năm xuất siêu sang Mỹ 24 tỷ đô la, nhập siêu từ Trung Quốc gần 30 tỷ đô la. Điều đó cho thấy đi theo mối quan hệ với Mỹ, Việt Nam có lợi. Trong mối quan hệ về mặt quân sự, rõ ràng có lợi hơn hẳn so với quan hệ với Trung Quốc. Như vậy thì Việt Nam nên chọn ai, đó chính là câu trả lời mà tôi muốn nêu ra.



VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng từ Việt Nam, và luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada về thời gian dành cho cuộc trao đổi này.
(Nguồn: VOA tiếng Việt)

Category: , ,

0 comments