“Bộ tứ quyền lực” bắt đầu lộ diện?
Hoàng Trần
11-1-2016
Hội nghị trung ương 14 của đảng CSVN vừa kết thúc ngày họp bàn đầu tiên. Trong 3 ngày mật nghị, 200 uỷ viên trung ương sẽ tham gia vào cuộc chiến quyền lực để chọn ra 4 người ngồi vào 4 chiếc ghế tứ trụ, gồm: tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
Ngoại trừ chiếc ghế tổng bí thư vẫn còn đang tranh giành gay gắt, việc chia chác nhân sự cho 3 chiếc ghế còn lại dường như đã bắt đầu lộ diện.
Nếu như không xảy ra thêm bất cứ tình huống nào đột biến, đội hình “bộ tứ quyền lực” nhiều khả năng sẽ thuộc về: bộ trưởng CA Trần Đại Quang, phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo đó, đội hình “tứ trụ” dự kiến được sắp xếp như sau:
Chủ tịch nước: Trần Đại Quang
Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc
Chủ tịch quốc hội: Nguyễn Thị Kim Ngân.
“Trường hợp đặc biệt”
Các thông tin rò rỉ ra bên ngoài cho thấy, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi, sẽ là người duy nhất cho đến thời điểm này được ra tái cử theo diện “trường hợp đặc biệt”.
Đây được cho là chủ đề gây tranh cãi dữ dội nhất trong nội bộ cộng sản hiện nay.
Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng vẫn đang đấu tranh quyết liệt để trở thành “trường hợp đặc biệt” thứ 2 ra tái cử.
Tuy nhiên, đồng minh thân cận của ông Trọng là chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ chấp nhận về hưu một khi ông Dũng cũng chịu rút lui.
Cả ông Dũng lẫn ông Sang đều là những đối thủ chính trị của nhau trong suốt những năm tháng đỉnh cao quyền lực.
Hội nghị lật đổ
Mối hận thù phe phái đã khiến cuộc chiến quyền lực quanh chiếc ghế tổng bí thư vẫn chưa thể ngã ngũ, trong khi đại hội đảng lần thứ 12 chỉ còn hơn một tuần nữa là khai mạc.
Thậm chí, diện “trường hợp đặc biệt” cũng không thể khiến cho ông Trọng vừng vàng hơn với chiếc ghế tổng bí thư nhiệm kỳ 2. Bởi lẽ, ông Trọng có thể nắm được bộ chính trị, nhưng ông Dũng lại là người thâu tóm cả ban chấp hành trung ương.
Với quyền lực này, ông Dũng hoàn toàn có khả năng biến hội nghị trung ương 14 trở thành một cuộc lật đổ chính trị.
Đây cũng là kịch bản đã từng xảy ra năm 2011, khi tổng bí thư Lê Khả Phiêu bất ngờ bị lật đổ khi chỉ còn một ngày nữa là khai mạc đại hội đảng lần thứ 9.
Đại hội 12 chưa khai mạc nhưng đã trở nên tan nát khi chính các “đồng chí” cộng sản đang tự chém giết lẫn nhau.
Trọng, Sang hay Dũng lên vẫn là điều khó nói trước.
Một điều chắc chắn sẽ xảy ra: đại hội 12 sẽ là kỳ đại hội cuối cùng của đảng CSVN. Ai lên làm tổng bí thư thì cũng sẽ là tổng bí thư cuối cùng của đảng CSVN. Ngày cáo chung của chế độ CSVN đang đến gần hơn bao giờ hết.
___
Đã chốt xong thành phần nhân sự lãnh đạo VN?
11-1-2016
Những nguồn tin phát xuất từ Hà Nội cho biết Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã giải quyết xong danh sách các ứng viên chính thức cho 4 chức vụ hàng đầu, là chức tổng bí thư, chức Chủ Tịch Nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
Nguồn tin riêng chưa thể kiểm chứng được cho đài chúng tôi biết đương kim Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại thêm nửa nhiệm kỳ trong lúc chờ đợi Đại Hội XII chọn người thay thế. Chức Chủ Tịch Nước được trao cho người đang nắm giữ Bộ Công An Đại Tường Trần Đại Quang. Vai trò thủ tướng sẽ do ông Nguyễn Xuân Phúc đảm nhiệm, và bà Nguyễn Thị Kim Ngân lãnh trách nhiệm của chủ tịch quốc hội.
Một nguồn tin khác nói rằng ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là người được nhiều phiếu ủng hộ nhất, trong khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lại là người được ít phiếu nhất. Điều này trái ngược với dư luận Đài Á Châu Tự Do chúng tôi ghi nhận được trong những tuần lễ vừa qua, cho rằng trong 4 nhân vật lãnh đạo chủ chốt hiện nay, Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng nhận được phần lớn sự ủng hộ của người dân, nếu ông Dũng được đề cử trong danh sách nhân sự ra tái cử trong khóa XII.
Ngay chính các nhà quan sát chính trị Việt Nam cũng đưa ra nhận định tương tự, cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là ứng viên sáng giá nhất cho vai trò Tổng Bí thư.
Hội nghị thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khai mạc ngày hôm nay tại Hà Nội, sẽ kéo dài đến ngày 13 tháng 1 năm 2016.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng thời gian họp tuy không dài nhưng Hội nghị lần thứ 14 đặc biệt quan trọng với 2 nội dung chính cần được thảo luận bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP và đề cử danh sách nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII.
Về việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP, Hội nghị thứ 14 tập trung thảo luận thời cơ và thuận lợi cũng như khó khăn và thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP, những tác động chính trị và an ninh quốc gia, đồng thời xem xét điều chỉnh chính sách theo đúng quy định pháp luật cho việc chính thức ký kết Hiệp định này.
Về việc chuẩn bị danh sách nhân sự chủ chốt khóa XII, ông Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh đến việc xem xét và đề cử các trường hợp Ủy viên Trung ương “đặc biệt” khóa XI tái cử trong khóa XII.
0 comments