Sự nguỵ tạo ác ý trong “Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa”
Đoàn Thôn Nhân/ Blog TCCTT
Mấy ngày qua, các trang mạng xã hội xôn xao bàn tán, chia sẻ “Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa.”
Nhiều báo điện tử tên tuổi và các trang mạng khác cũng đã đăng lại như: “Đời sống pháp luật (Cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), “ Báo Đất Việt”(Diễn đàn của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), v.v...Sau đây là nguyên văn được đăng trên “Báo Đất Việt” :
“Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa
Những lời lẽ ngây ngô, thật thà của học sinh trong bài văn viết thư gửi cho người thân đã khiến giáo viên chỉ còn biết ghi “Xin ý kiến phụ huynh!” vào ô lời phê.
Được một thành viên chia sẻ trên diễn đàn xã hội, dù còn nhiều tranh cãi về độ thực tế của bài văn nhưng nó vẫn thu hút được rất nhiều sự quan tâm, bình luận của cư dân mạng, không chỉ vì sự hồn nhiên, thật thà của đứa trẻ mà chính bởi sự thật thà ấy đã đặt ra nhiều câu hỏi cho những người lớn xung quanh em.
Một lần nữa, nhiều người lại phải gật gù nhớ lại câu thành ngữ “Đi hỏi nhà, về nhà hỏi trẻ” của dân gian Việt Nam.
“Bố kính mến!
Đầu thư con chúc bố sức khỏe, con yêu bố. Thưa bố, từ ngày bố đi công tác ngoài đảo, con rất nhớ bố, nhưng một thời gian con đã quên và không còn nhớ bố nữa, nên bố yên tâm công tác. Ở nhà không có bố, con và mẹ rất vui, con học hành có tiến bộ hơn trước, bố đừng lo cho con. Con và mẹ ở nhà có hàng xóm yêu thương và giúp đỡ rất nhiều nhất là chú Thanh công an Phường, ngày nào chú cũng đến ăn cơm cùng con và mẹ, chở con đi chơi cùng me, chú mua rất nhiều quà cho con, còn tổ chức sinh nhật cho con nữa, thỉnh thoảng chú còn khen con đẹp giống mẹ. Hằng đêm chú còn kể chuyện cho con nghe trước khi con đi ngủ, sáng sớm chú sang chở con đi học, trưa chú đón con về...Con rất yêu chú Thanh, mẹ cũng rất yêu chú Thanh nên bố đừng lo cho con và mẹ nữa...”...”.
Một độc giả của Tuấn Công thư phòng nói cũng bị sốc “ngã ngửa” khi đọc “bài văn” này và đề nghị chúng tôi cho ý kiến. Theo chúng tôi, xét về văn bản học, không khó để nhận ra sự ngụy tạo vụng về trong “bài văn” viết thư này:
- Về hình thức văn bản: Học sinh tiểu học ngày nay, đặc biệt là ở các thành phố có điều kiện, (chú ý chi tiết “chú Thanh công an Phường”) được làm bài kiểm tra trên mẫu giấy in sẵn quy chuẩn, chuyên dùng chứ không phải là một tờ giấy được xé ra từ vở kẻ ô li rồi học trò tự kẻ khung, đề họ tên, lời phê như trong “bài văn” ngụy tạo. Hơn nữa, nếu có nơi nào đó học sinh chưa có điều kiện dùng mẫu giấy kiểm tra in sẵn thì phía trái bên cạnh ô “Lời phê”, thông thường các em được hướng dẫn kẻ ô ghi “Điểm” chứ không phải vị trí để ghi họ tên “Lê Yến Vy”, trường: “Tiểu học Kim Đồng” như kẻ ngụy tạo văn bản đã làm.
2. Về chữ viết: Chữ màu mực đỏ “Xin ý kiến phụ huynh” trong ô“Lời phê” quá xấu, không phải là chữ của giáo viên tiểu học. Bởi luyện viết chữ đẹp là một trong những môn học quan trọng của bậc tiểu học. Hàng năm không chỉ học trò mà cả các cô giáo cũng tham dự các cuộc thi viết chữ đẹp, giải thưởng có giá trị tương đương như các môn học khác. Bởi vậy, hầu như chữ của các cô giáo tiểu học đều đẹp. Dù là lời phê (không viết nắn nót như khi dạy) bao giờ các cô cũng viết rõ ràng, chuẩn mực chứ không tùy tiện viết “ngoắng” tay. Trong khi kiểu chữ “phê” trong bài văn ngụy tạo viết xéo xẹo, nghiêng ngửa, mất nét. Chữ cái “y” trong chữ “ý” viết tựa như chữ “g”, chữ “kiến” tự dưng viết hoa tùy tiện và nếu đứng riêng một mình người ta sẽ không biết nó là chữ gì. Xét “nét chữ nết người”, kiểu chữ viết quấn vào nhau như bện thừng này là của một người đàn ông (không phải của cô giáo tiểu học) cỡ tuổi trung niên, ngón tay dài, cứng, tính cách lươn lẹo, nhỏ nhen, ít học, không thường cầm bút. Người này chưa từng được trải qua bậc đào tạo ở các trường chuyên nghiệp, cũng không hiểu ở cấp tiểu học các em được dạy, được học như thế nào. Chữ viết trong “bài văn” có vẻ đúng là chữ học trò tiểu học (lớp 4-lớp 5). Nhưng điều này không khó hiểu vì kẻ ngụy tạo nhờ chép lại.
3.Về ngôn từ trình bày:
-Thông thường, ở ô “lời phê” mẫu giấy kiểm tra in sẵn được viết đầy đủ là “Lời phê của thầy, cô giáo” hoặc “Lời phê của cô giáo”. Dẫu học trò có tự kẻ mẫu giấy kiểm tra cũng không bao giờ dám viết “Lời phê” cụt ngủn như vậy.
-Chữ “Đề”: Cấp bậc tiểu học, bao giờ các em cũng được hướng dẫn hoặc viết mẫu đầy đủ là “Đề bài”, không viết cụt là “Đề”.
-Cách ra đề: Ở cấp học từ Tiểu học đến Trung học phổ thông, thông thường ngôn từ trong cách ra đề là “Em hãy viết, em hãy kể...” hoặc “Hãy viết, hãy kể...” chứ không dùng “Các em hãy viết...” như trong bài văn ngụy tạo.
- Nội dung và ngôn từ “bài văn”:
Nội dung “bài văn” có vẻ “ngây ngô, thật thà, trẻ con” ở chỗ đã kể tuốt tuồn tuột những gì đáng ra không thể, không nên kể khi viết thư cho bố. Tuy nhiên đây là nội dung, ngôn từ, hành văn hoàn toàn của người lớn, do người lớn đạo diễn với chủ đích rất rõ ràng. Đó là dùng những lời lẽ có vẻ như vô tình nhưng lại rất cụ thể, ác ý gửi tới “bố”-người lính đang công tác ngoài đảo xa biết câu chuyện ngoại tình của “mẹ” với “chú Thanh công an Phường”. Do đó “bài văn” luôn nhấn mạnh, khoét sâu vào “nỗi đau” mất mát tình cảm bố con, nỗi “trớ trêu” của “người lính đảo” bị “cắm sừng”: “Ở nhà không có bố, con và mẹ rất vui (...)Con và mẹ ở nhà có hàng xóm yêu thương và giúp đỡ rất nhiều nhất là chú Thanh công an Phường, ngày nào chú cũng đến ăn cơm cùng con và mẹ, chở con đi chơi cùng mẹ (...) thỉnh thoảng chú còn khen con đẹp giống mẹ. Hằng đêm chú còn kể chuyện cho con nghe trước khi con đi ngủ, sáng sớm chú sang chở con đi học, trưa chú đón con về...Con rất yêu chú Thanh, mẹ cũng rất yêu chú Thanh nên bố đừng lo cho con và mẹ nữa...”
Nếu xét lời nói trẻ con là thật thì thử hỏi có “chú Thanh” nào lại dại đến mức gian díu với “vợ của lính đảo” ngay ở địa bàn phường mình phụ trách, trong tình hình hậu phương của lính đảo đang được cơ quan đoàn thể, địa phương quan tâm, động viên. “Chú” lại công khai ngày nào “cũng đến ăn cơm cùng con và mẹ, chở con đi chơi cùng mẹ”, rồi “chú Thanh”thành hẳn “bố Thanh”: “sáng sớm chú sang chở con đi học, trưa chú đón con về”. Nếu “chú Thanh” công an khu vực và “mẹ con” có tình ý gì, chắc hẳn với “nghiệp vụ” của mình, “chú” sẽ lựa chọn phương án “hợp đồng tác chiến”, đợi “Lê Yến Vi” ngủ tít thò lò, nhận “ám hiệu” an toàn mới “đột nhập mục tiêu”, “đánh nhanh, diệt gọn” rồi “rút êm”, chứ “chú Thanh” đâu có thời gian và dại dột “Hằng đêm chú còn kể chuyện cho con nghe trước khi con đi ngủ” rồi mới “lâm trận” ? “Chú Thanh” và “mẹ con” cũng đâu có “gan nuốt búa” mà dám công khai quan hệ giữa bàn dân thiên hạ, đêm đêm ngủ cùng "người tình" với sự chứng kiến của một đứa trẻ không chỉ đã biết nói mà còn biết viết ?
Như vậy, có thể nói“Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa” là một văn bản ngụy tạo vụng về của một kẻ ít học, thiếu nhận thức, thừa thời gian. Đây không phải là trường hợp duy nhất, bởi thời gian gần đây, người ta ngụy tại ra không ít bài văn học trò để mua vui hoặc mục đích “câu like”. Tuy nhiên, trong khi nhiều lá thư của những người vợ, người con của lính đảo được báo chí công bố thấm đẫm tình cảm hậu phương và tinh thần yêu nước, khích lệ người lính cầm chắc tay súng vì biển đảo thân yêu thì “Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa” là một dạng ngụy tạo rất ác ý, vô văn hóa. Chủ đích của nó là một mũi tên trúng hai mục tiêu: giễu cợt sự hy sinh của người lính, bày đặt chuyện phản bội của hậu phương, đánh vào tâm lý những người lính xa nhà, đặc biệt là lính đảo trong tình hình biển đảo nước sôi lửa bỏng. Điều đáng buồn là nhiều trang báo được xem là “chính thống”, “lề phải” có tên tuổi cũng nhảy vào cuộc cùng “câu like”, vô tình nối giáo cho giặc. Mà xem ra trình độ của kẻ “nối giáo cho giặc” này cũng chẳng hơn kẻ làm ra văn bản ngụy tạo kia là bao. “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ” là một câu tục ngữ lại bị người viết bình luận xếp vào thành ngữ; “Đi hỏi già...” lại viết thành “Đi hỏi nhà...” rất vô nghĩa (Báo "Đời sống Pháp Luật" sửa "hỏi nhà" thành "hỏi già")
Một bài viết "rẻ tiền" như vậy mà cũng thi nhau đăng tải được sao ?
Truyện cổ "Thiếu phụ Nam Xương" kể rằng:
Có chàng Trương vì nước xông pha trận mạc. Vợ ở nhà chung thủy chờ chồng, nuôi con. Một ngày kia giặc tan, chàng Trương vui mừng trở về. Tuy nhiên đứa bé một mực không nhận bố, bập bẹ nói: “Bố tối mới đến.” Chàng Trương sinh nghi, gặng hỏi, thằng bé trả lời: “Tối nào bố cũng đến, mẹ đi đâu, bố theo đó, lúc nào tắt đèn đi ngủ mới không thấy bố nữa.” Chàng Trương nghi ngờ, mắng nhiếc, đuổi vợ đi. Người vợ giải thích thế nào cũng không được, oan ức quá mới gieo mình xuống sông tự vẫn. Tối hôm đó, khi thắp đèn lên, đứa bé vui mừng chỉ lên vách: “Bố đến kia rồi.” Hóa ra, những năm tháng chờ chồng, nuôi con, đứa bé lớn lên hỏi rằng: “Cha con đâu”, người mẹ thương con, nhớ chồng, chỉ vào bóng mình đơn côi đêm đêm in trên vách nói: “Cha con đó”. Chàng Trương chợt hiểu ra thì đã muộn. Sau nhân dân lập miếu thờ gọi là “Miếu vợ chàng Trương”.
Trên đời, cái thật và cái giả, hiện tượng và bản chất vốn hay lẫn lộn. Lịch sử mấy ngàn năm chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam hãy còn để lại vô vàn những hình ảnh, câu chuyện đầy đau thương, bất hạnh, thiệt thòi của những người vợ, người mẹ có chồng đi lính, của chính những người lính xa nhà như chuyện "Thiếu phụ Nam Xương". Ngày nay, có cần ai đó dùng chiêu trò mua vui, mượn lời con trẻ để bịa đặt, tạo thêm một câu chuyện đau lòng của vợ chồng chàng Trương thế kỷ XXI ?
ĐTN 8/8/2014
Theo blog Tuấn Công thư phòng
Category: Blog
0 comments