Đảng nên chọn TBT kế tiếp như thế nào?
Đảng Cộng sản Việt Nam ở Đại hội 12 tới đây nên lựa chọn ra một vị
Tổng bí thư 'biết điều hơn' và 'không lú lẫn', theo ý kiến của một nhà nghiên cứu từ Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 08/2/2014, Giáo sư
Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam từ Hà Nội nói:"Hiện nay chúng tôi đang có một vài hy vọng là cũng sẽ có một nhân vật có thể là biết điều hơn, có kinh nghiệm hơn, cũng có thể là có một chút sắc sảo nào đó hơn.
"Và họ có thể có một ê-kíp tư vấn như thế nào đó, cố vấn như thế nào đó để thúc đẩy, khi mà họ nắm được cương vị, thì họ có thể đẩy tới một vài hoạt động tiến bộ hơn.
"Đấy là cái hy vọng của chúng tôi và chúng tôi cũng đang mong muốn là xu hướng ấy nó sẽ xảy ra là làm sao chọn được một Tổng Bí thư mà có thể nói là không lú lẫn như anh Trọng (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) hiện nay.
"Những cái chuẩn bị của Bộ Chính trị đương thời thì ráo riết chọn người của mình, của phe mình, nhưng cái đấy có khả năng là một chỗ để ngỏ, mà chưa chắc họ sẽ thực hiện được ý định ấy.
"Thì đó có thể là một bước tiến, cũng có thể là chấp nhận được, khả thủ, thì đấy là cái tốt," Giáo sư Mai nói.
'Chắc chắn có bất ngờ?'
Khi được hỏi liệu có một tên tuổi nào đó mà có thể phù hợp với những tiêu chí được đề ra như kỳ vọng này hay không, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng nói:"Ví dụ như tôi bỏ phiếu, thì tôi bỏ cho ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư hiện nay.
"Ông ấy là người phát biểu rất thẳng thắn. Ví dụ như vậy, đấy là cái người mà theo tôi chọn, nếu tôi chọn, thì chọn ông Vinh chẳng hạn.
"Đấy là cái mà cá nhân tôi nghĩ, thế còn nhân sự của Đại hội thường thường đến phút chót, nó giống như bóng đá, ở Việt Nam, đến phút chót nó sẽ có sự bất ngờ xảy ra.
"Các đại hội đều như thế cả, lần này chưa biết nó sẽ như thế nào, nhưng mà chắc chắn sẽ có cái bất ngờ.
"Và những cái chuẩn bị của Bộ Chính trị đương thời thì ráo riết chọn người của mình, của phe mình, nhưng cái đấy có khả năng là một chỗ để ngỏ, mà chưa chắc họ sẽ thực hiện được ý định ấy," nhà nghiên cứu nói.
'Thách đố công an trị'
Cũng hôm Chủ Nhật, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nêu quan điểm về điều mà ông cho là một 'thách đố', 'rủi ro' lớn của chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo khi suốt nhiều năm qua tiếp tục đối xử với giới các phong trào đấu tranh, vận động đòi dân chủ hóa bằng 'bạo lực' hay ' công an trị'.
Cựu quan chức Ban Dân vận của Trung ương Đảng nói:
"Hiện nay đấy là một thách đố lớn đối với người cầm quyền. Và nếu họ cứ bạo lực hoặc khắc nghiệt, rồi công an trị, rồi đàn áp, thì họ sẽ mất lòng dân.
"Cho nên họ sẽ không dám làm mạnh tay.
"Nhưng ở đâu đó, lúc nào đó, thì họ cũng sẵn sàng dùng những biện pháp cứng rắn đối với một số trường hợp.
"Khi họ thấy rằng giải pháp ấy cho phép thì họ cũng sẵn sàng thực hiện, họ chưa từ bỏ."
Theo nhà nghiên cứu này thì sớm hay muộn thì chính quyền cũng sẽ phải 'chùn tay và thay đổi' vì các tầng lớp dân cư, cộng đồng và xã hội không đồng tình khi chính quyền 'lạm dụng bạo lực' và ' công an trị'.
'Dấu hiệu đang thay đổi?'
Và ông phân tích về cả nguyên nhân của 'vấn nạn' cũng như dự đoán xu hướng tới đây.
"Bởi vì số lượng những người có tâm thức văn minh, văn hóa trong đối xử với nhau trong xã hội chưa nhiều.
"Và áp lực của xã hội cũng chưa đủ lớn để họ phải chùn tay"
"Nhưng họ buộc phải thay đổi, họ không thể trắng trợn như trước"
"Bởi vì họ trắng trợn thì sẽ mất lòng dân và dân không đồng tình.
"Trí thức cũng không đồng tình và cũng không ai đồng tình cái điều ấy.
"Cho nên họ buộc phải có một cái gọi là thận trọng hơn, dè dặt hơn, đấy là cái mà tôi thấy đang có dấu hiệu," Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói.
Gần đây, đã có nhiều ý kiến trong dư luận ở Việt Nam tỏ ra quan ngại về nạn 'lạm dụng bạo lực, bạo hành' của chính quyền các cấp, từ trung ương tới địa phương ở Việt Nam đối với thường dân, đặc biệt là 'tệ nạn nghiêm trọng' được cho là của công an, an ninh 'bạo hành' với giới vận động, tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ hóa.
Mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, cũng lên tiếng về vấn đề này trên trang Bauxite Việt Nam trong đó ông so sánh 'công an Việt Nam xưa và này' và nhắc nhở các viên chức công an, an ninh Việt Nam cần tuân thủ và tôn trọng các nguyên tắc đạo đức khi hành nghề, đặc biệt trong quan hệ với dân.
Theo BBC
0 comments