Nga đã dần nhận ra "bộ mặt thật" của "bạn tốt" Trung Quốc?
Ngày càng có nhiều tiếng nói từ Nga chỉ trích Trung Quốc "về hùa" với phương Tây để trừng phạt Moscow.
Trang Đa Chiều hôm 22/6 cho hay, phó
Tổng giám đốc Ngân hàng mậu dịch đối ngoại Nga (Vneshtorgbank) Yuri
Soloviev tiết lộ, các ngân hàng Trung Quốc ngày càng lạnh nhạt với Nga,
thậm chí không muốn hợp tác với các đơn vị cùng ngành của Nga.
Theo quan chức trên, nguyên nhân của điều này là Trung Quốc không muốn làm mếch lòng phương Tây.
"Các ngân hàng Trung Quốc lo ngại
gặp rắc rối nếu làm ăn với các đơn vị tài chính của Nga, bởi bọn họ còn
có nhiều mối kinh doanh với Âu-Mỹ." - Ông Soloviev cho biết.
"Đối với Trung Quốc mà nói, Mỹ, Liên
minh châu Âu (EU), Nhật Bản hay Hàn Quốc có giá trị hơn Nga. Người
Trung Quốc rất thực tế, họ sẽ không vì Nga mà thực hiện các vụ làm ăn lỗ
vốn."
Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc
từ chối cung cấp các dịch vụ hỗ trợ mậu dịch song phương khiến hoạt động
giao thương trong ngành tài chính Nga-Trung suy giảm nghiêm trọng.
Trung Quốc nhiều lần chỉ trích Nga không
duy trì ổn định tỷ giá đồng Rúp và kiên quyết chỉ sử dụng NDT trong các
giao dịch ngoại hối.
"Hiện trạng này gây trở ngại đến quá
trình phát triển mậu dịch Nga-Trung. Tuy nhiên, các ngân hàng Nga vẫn
rất xem trọng việc triển khai nghiệp vụ ở Trung Quốc và châu Á." - Yuri Soloviev cho hay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (phải) tại Diễn đàn kinh tế St. Petesburg. Ảnh: AFP.
Giáo sư kinh tế người Nga Igor Nikolaev
cho rằng, quy mô mậu dịch giữa Trung-Mỹ, Trung-EU vượt xa so với quy mô
Nga-Trung, dẫn đến các tổ chức tài chính Trung Quốc buộc phải xét đến
thái độ của phương Tây khi "đi lại" với Nga.
"Mỹ quan trọng với Trung Quốc hơn
(Nga), có nghĩa Trung Quốc phải xem xét việc Mỹ và phương Tây đang trừng
phạt Nga. Điều này phản ánh ngay trong các mối quan hệ tài chính song
phương." - ông Nikolaev cho biết.
Trung Quốc "đổi chiều", gia nhập phe trừng phạt Nga?
Việc Nga "hướng Đông" và xích lại gần
Trung Quốc hơn để tìm kiếm giải pháp đối phó sự trừng phạt của phương
Tây đã được truyền thông ghi nhận trong suốt 1 năm qua.
Tuy nhiên, đến hiện tại, các tổ chức, doanh nghiệp Nga cũng phải "vật vã" để tiếp cận nguồn vốn của Trung Quốc.
Đa Chiều bình luận, điều này chẳng khác nào Trung Quốc "về hùa" với hành động trừng phạt của phương Tây, khiến Nga thất vọng.
Giới quan sát đánh giá, mặc dù trên bình
diện ngoại giao, Nga-Trung vẫn cho thấy một "tình hữu nghị" bền chặt và
tổ chức nhiều hoạt động tập trận chung để gây tiếng vang.
Song, trên thực tế Nga không được hưởng
nhiều lợi ích từ mối quan hệ này như những gì Trung Quốc có được. Bắc
Kinh không hề đem lại cho Moscow một sự giúp đỡ thực chất nào, ngoài
việc giành các hợp đồng cung ứng béo bở cho Nga.
Nhà phân tích kinh tế Nga Vladislav
Zhukovsky nhận xét, dù phải "dè chừng" trước những rủi ro chính trị khi
làm ăn với Nga, nhưng giới tài chính Trung Quốc chắc chắn cũng không bỏ
lỡ "con mồi" này.
"Kinh tế Trung Quốc vẫn ổn nếu không có Nga, nhưng nước Nga hiện tại sẽ gặp khó khăn hơn nhiều nếu Trung Quốc không hỗ trợ.
Vì vậy, Trung Quốc sẽ lợi dụng cục diện để giành lấy các thỏa thuận hợp tác về kỹ thuật quân sự hay mua bán vũ khí.
Bắc Kinh có thể 'trục lợi' trên
nhiều lĩnh vực từ việc thắt chặt quan hệ với Nga. Nói cách khác, Nga là
cơ hội kiếm tiền tuyệt vời của Trung Quốc." - ông Zhukovsky bình luận.
Nhiều học giả Nga đánh giá "Trung Quốc vẫn thấy Mỹ có giá trị hơn Nga".
Liệu Nga có thành "đối tác hạng 2" của Trung Quốc?
Vladislav Zhukovsky nhận định, thái độ
của ngành tài chính Trung Quốc không ảnh hưởng quá tiêu cực tới quan hệ
Nga-Trung, song lợi ích quốc gia của Nga dường như không quá ý nghĩa đối
với Bắc Kinh.
"Cảm giác mất cân bằng và bất ổn này ngày càng trở nên mạnh mẽ" - Zhukovsky nói.
Hiện trạng mà nhà phân tích Zhukovsky
thể hiện mối quan ngại của không ít người Nga, rằng các doanh nghiệp
nước này sẽ ở vào "thế yếu" khi làm ăn với các đối tác Trung Quốc, thậm
chí dẫn đến việc Nga chỉ được Trung Quốc xem là "đối tác hạng 2".
Điều tra của Ernst & Young đối với
giới công thương Trung Quốc cho thấy, trong vấn đề mậu dịch với Nga, các
doanh nghiệp Trung Quốc cũng gặp phải khó khăn về nhiều mặt như môi
trường đầu tư, hệ thống pháp luật...
Tuy nhiên, tại Diễn đàn kinh tế St.
Petesburg mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá quan hệ kinh
tế Nga-Trung vẫn phát triển nhanh chóng.
Tại hội nghị Ủy ban hợp tác đầu tư giữa 2
chính phủ Nga-Trung trong khuôn khổ Diễn đàn, 29 dự án với tổng kim
ngạch hơn 20 tỷ USD đã được thông qua.
Giới "tinh hoa" Nga kêu gọi tránh xa Trung Quốc
Tỷ phú người Nga Oleg Deripaska. Ảnh: Bloomberg
Cũng tại Diễn đàn kinh tế St.
Petersburg, tỷ phú nổi tiếng người Nga Oleg Deripaska đã kêu gọi nước
này "nhanh chóng tìm cách cải thiện quan hệ với phương Tây" và cho rằng
chỉ có như vậy nền kinh tế Nga mới trở lại thịnh vượng.
"Nga nên tích cực hợp tác với Mỹ và châu Âu, chứ không phải Trung Quốc" - ông Deripaska nói.
Giới quan sát nhận định, những tuyên bố
của ông Yuri Soloviev tại St. Petersburg trước thềm Hội nghị thượng đỉnh
Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS
diễn ra vào tháng sau, nhằm phát tín hiệu "bất mãn" đến Bắc kinh.
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) hồi tháng 5 đã
dẫn lời chuyên gia các vấn đề về Nga Bobo Lo nhận xét, chủ tịch Trung
Quốc Tập Cận Bình thông qua các quốc gia Liên Xô cũ để triển khai chiến
lược mở rộng lợi ích Trung Quốc mang tên "một vành đai, một con đường".
Theo ông Lo, chiến lược của Bắc Kinh rất
có khả năng "va chạm" với lợi ích của Nga và kế hoạch Liên minh kinh tế
Á-Âu của Tổng thống Putin. Điều này có thể làm ảnh hưởng trực tiếp tới
quan hệ Nga-Trung.
"Chiến lược của ông Tập và ông Putin
chưa phát sinh mâu thuẫn trực diện bởi đây đều là các tư tưởng mới được
ra đời. Nhưng theo thời gian, xung đột lợi ích sẽ nảy sinh." - Bobo Lo chỉ ra.
0 comments