Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ đồng hành cùng chế độ Cộng Sản và phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam?
Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ đồng đồng hành cùng chế độ Cộng Sản và phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam?
Vài ngày qua, sự kiện đại tướng quân đội Hoa Kỳ là Martin Dempsey sang thăm Việt Nam đã đánh dấu một mốc quan trọng trong chương trình Mỹ tiến tới hợp tác toàn diện với Việt Nam, nhất là về quân sự, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân.
“Việt Nam” ở đây chính là nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, là Nguyễn Tấn Dũng, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Chí Vịnh – những kẻ tai to mặt lớn, nắm quyền sinh sát của chế độ hiện nay – những kẻ đã đại diện Việt Nam tiếp đón và hội đàm cùng đại tướng Martin.Một điều không thể chối bỏ từ phía Mỹ đó là: Mỹ không thể làm ngơ trước việc quyền lợi của mình và của các đồng minh ở Châu Á có nguy cơ bị xâm hại từ thế lực Trung Cộng, và vị trí địa lý của Việt Nam là đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Mỹ tại Châu Á.
Người ta có thể đặt ra câu hỏi, “Mỹ có yêu chế độ Cộng Sản hay không?” và đương nhiên một câu hỏi khác đặt ra là, “Mỹ có muốn có dân chủ (ở Việt Nam) hay không?” Câu trả lời (của rất nhiều người Việt) sẽ là: Mỹ không yêu Cộng Sản cũng chẳng mến dân chủ ở Việt Nam. Họ chỉ làm những gì có lợi cho bản thân họ và đồng minh mà thôi.
Hiện nay chế độ Cộng Sản Việt Nam đã buộc phải bắt tay với Mỹ để chống Trung Cộng. Nhưng mặt khác họ cũng rất lo ngại Mỹ hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam.
Qua tin rò rỉ từ Wikileaks và từ những người như điệp viên đào tẩu Snowden trong những năm qua, người ta biết rằng, nhiều thập kỷ qua, bằng những tổ chức trung gian, Mỹ vẫn ngầm hỗ trợ đối kháng chống độc tài tại rất nhiều quốc gia từ Đông Âu, Phi Châu, Trung Đông cho đến Việt Nam…
Khoảng 5 năm trở lại đây phong trào dân chủ Việt Nam đã có những chuyển biến tương đối rõ nét. Có được điều đó là do nhu cầu đấu tranh nội tại ngày một gia tăng, nhưng cũng không thể không nhắc đến yếu tố quan trọng nhất đó là sức mạnh chính trị và tiền bạc từ người Mỹ.
Về mặt chính trị, bằng con đường vận động hành lang ngoại giao, Hoa Kỳ đã gây áp lực buộc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phải cải thiện dân chủ, trả tự do cho một số nhà đối kháng đang bị cầm tù như Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh v...v…
Trong những hành động đó, cả phía Mỹ và chế độ Cộng Sản Việt Nam đã cùng thắng, nếu như không muốn nói đầy đủ là “ba bên cùng thắng”, vì đó cũng là một trong những thắng lợi của phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam.
Hơn lúc nào hết, hiện cả hai phe Cộng Sản và chống Cộng đều đang cần dựa vào người Mỹ.
Đối với nhà cầm quyền Cộng Sản, cả thế giới đều nhìn thấy là họ đang cố gắng dựa vào Mỹ để tồn tại. Nhưng còn phe chống Cộng Sản, họ dựa vào người Mỹ như thế nào?
Là một người đấu tranh chống Cộng Sản hoạt động độc lập trong nước từ năm 2003; sau này chạy sang Thái Lan gần 5 năm, nay lại đang sống ở Úc, qua tiếp xúc với rất nhiều thành phần đấu tranh tại hải ngoại, tôi biết rõ: Phong trào đối kháng trong nước tồn tại được đều nhờ người Mỹ. Cơ sở nào để nói như vậy?
Thứ nhất, bằng con đường phi chính phủ, Mỹ (tôi đã dùng từ “Mỹ” từ đầu bài viết, chứ không nói “chính phủ Mỹ”) đã ngầm tài trợ cho một số tổ chức chống Cộng có thực lực ở nước ngoài, cụ thể là các tổ chức được đánh giá “làm được việc” hoặc ít nhất là “có cố gắng làm việc”. Những tổ chức đó đã triển khai được một thế trận đấu tranh tại Việt Nam.
Một điều không thể bác bỏ khác, đó là: Bằng hình thức này hay hình thức khác, tất cả các hội đoàn đối kháng trong nước đều “sống” được là do tiền tài trợ thông qua các tổ chức yểm trợ đấu tranh hải ngoại. Tiền của các tổ chức hải ngoại vừa kể lại đến từ hai nguồn: Từ người Mỹ như đã nói, và từ sự đóng góp của các công dân Mỹ (Úc, Canada, Châu Âu…) gốc Việt.
Cũng phải giải thích rằng chuyện đối kháng “sống” được trong chế độ Cộng Sản Việt Nam là điều khó khăn vì các thành viên đều bị o bế kiềm tỏa, phá hoại về kinh tế, do chính sách đàn áp của nhà cầm quyền. Chỗ dựa chính của họ chính là nguồn tài chính từ hải ngoại.
Một câu hỏi đặt ra là: Mỹ có bình đẳng trong quan hệ với cả hai phe, nhà cầm quyền và phe đấu tranh đối kháng tại Việt Nam hay không? Chắc chắn là có! Nhưng cái cần quan tâm nhất đối với người Mỹ đó vẫn là quyền lợi của họ và đồng minh. Chính vì điều này Mỹ phải đặt quan hệ với nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lên hàng đầu vì hiện nay chỉ họ mới có thể đáp ứng được các yêu cầu chiến lược cấp bách của Mỹ.
Nhưng có lẽ người Mỹ sẽ chỉ ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam ở mức độ nào đó vì nhiều lẽ. Bài học đau đớn Việt Nam Cộng Hòa năm xưa người Mỹ không thể quên: Họ đã tốn hàng núi Dollas chỉ để tạo được một thể chế gia đình trị lạc hậu trong Đệ nhất VNCH; do Mỹ hậu thuẫn, sống nhờ tài chính Mỹ nhưng lại không chịu làm theo ý đồ chiến lược của Mỹ. Sau này Đệ nhị VNCH cũng lại trượt theo “vết xe đổ Ngô Đình Diệm” và trong khủng hoảng chính trị bởi nguy cơ đảo chính thường trực…
Vậy lấy gì để người Mỹ tin rằng, nếu giả sử như chế độ thối nát Độc tài Cộng Sản Việt Nam hiện nay bị lật đổ thì chế độ tiếp sau nó có hoàn toàn thân Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay không. Điều này người Mỹ biết rõ vì bản thân những nhà lãnh đạo của các tổ chức có thực lực ở hải ngoại phần lớn đều là các cựu quân cán chính của VNCH khi xưa, nhiều người vốn tận đáy lòng vẫn ghét Mỹ vì họ luôn cho rằng “Mỹ bỏ rơi đồng minh” năm xưa.
Một câu hỏi khác nảy sinh là, tại sao người Mỹ vẫn hậu thuẫn đấu tranh? Rất dễ hiểu, đó chính là chính sách dân chủ hóa toàn cầu của họ, và họ muốn có lý do để gây áp lực với nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh bị coi là chống lại xu thế dân chủ, một điều trớ trêu thay là nhà cầm quyền Cộng Sản lại dùng chiêu bài trả tự do nhỏ giọt cho một vài tù nhân chính trị để đổi lấy sự ấm lên trong quan hệ ngoại giao với Mỹ!
Bằng các động thái ngoại giao song phương dần tiến tới quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ, bằng việc cử một viên đại tướng sang thăm Việt Nam, có vẻ như Mỹ đã đạt được mục đích then chốt của mình tại khu vực Biển Đông. Nếu tiến xa hơn trong quan hệ và dần loại bỏ tầm kiềm tỏa của Đảng Cộng Sản Việt Nam, chính phủ Việt Nam có thể tồn tại lâu hơn nếu thực lòng trở thành đồng minh của Mỹ.
Đối với giới đấu tranh dân chủ, tất nhiên họ phải cố gắng hết mình, sẵn sàng đối đầu với công an, nhà tù để đấu tranh đến cùng. Nhưng hơn bao giờ hết, họ phải thực sự quên đi câu chuyện “đồng minh” ngày trước với Mỹ. Và có lẽ điều quan trọng nhất là họ cần làm cho người Mỹ thấy được, họ (đặc biệt là những nhà đấu tranh hải ngoại) thực sự có tâm và có tầm.
“Tâm và tầm” ở đây cụ thể là gì? Có tâm là làm việc hết mình, không tư lợi, đừng tham nhũng, đừng lừa dối, đừng tiểu xảo với những nhà tài trợ. Có tầm là tập hợp được những con người có năng lực thực sự gia nhập các tổ chức đảng phái đấu tranh của mình, vì chỉ có sức mạnh của tập thể gồm nhiều người có thực tài mới có thể làm nên việc lớn. Tai mắt của Mỹ khắp nơi, chẳng có tật xấu nào của người Việt hải ngoại che được mắt họ.
Như vậy có thể thấy: Chuyện Mỹ đồng đồng hành với cả hai phe Cộng Sản và chống Cộng là điều có lý. Phía nhà cầm quyền chỉ cần cải thiện dân chủ nhỏ giọt để làm hài lòng người Mỹ là đủ. Về phía những người đấu tranh, ngoại trừ họ có khả năng phát động một cuộc lật đổ thần thánh (điều này chưa thể xảy ra trong tương lai gần) thì cũng hãy nên tạm bằng lòng với vị thế hiện nay của mình.
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” hay “có thực mới vực được đạo”, người Mỹ có quyền vì họ có sức mạnh vật chất. Nhưng vốn tôn thờ Chủ nghĩa Thực dụng, họ sẽ nhìn thấy ngay đâu là điều họ nên làm. Khi nhà nước Việt Nam Cộng Sản đồng hành với Mỹ thì đó cũng chính là lúc lợi thế giữa hai phe Cộng Sản và đối kháng thêm sự mất cân bằng.
Trong đấu tranh, nếu biết tận dụng mọi nguồn lực, cụ thể (đối với người Việt đối kháng) đây là nguồn lực Mỹ, thì không gì khôn ngoan hơn. Nhưng họ phải làm sao để người Mỹ có cơ sở tin tưởng mình. Rất dễ và cũng thật khó!
Tuy nhiên, với những con người thông minh và giàu ý chí, có nghị lực, chỉ có cái chưa thể chứ không có cái không thể! Cơ hội vẫn còn đang ở phía trước cho những người đấu tranh chống Cộng Sản. Chẳng có gì hạnh phúc hơn là tự mình làm nên mọi chuyện mà chẳng cần dựa vào ai. Nhưng điều này quả là không hề đơn giản!
Lê Nguyên Hồng – Sydney, Australia
0 comments